Khi hội nhập vào khu vực ASEAN và thế giới, muốn tồn tại và phát triển bắt buộc chúng ta phải có sức mạnh cạnh tranh. Muốn có sức mạnh cạnh tranh cao và dài hơi, bắt buộc chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nhất là giáo dục đại học và phải bắt đầu ngay tức thì để có chất lượng ngày càng cao.

Đảng và nhà nước ta đã có chủ trương rất đúng đắn: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và cũng đã có những biện pháp cụ thể cải cách giáo dục. Tại sao ngành giáo dục vẫn loay hoay lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục? Tại sao khi ta cởi trói cho nông dân và cho các nhà doanh nghiệp, thì nông nghiệp và doanh nghiệp phát triển? Tại sao chúng ta không cởi trói cho giáo dục để giáo dục phát triển?

Ai trói buộc và ai sẽ cởi trói cho giáo dục?

Chính là tư tưởng bao cấp, quan liêu và cào bằng, xa rời thực tế, duy ý chí, phân biệt đối xử cũng như việc lẫn lộn chức năng của cơ quan này với cơ quan khác hiện phổ biến ở nhiều nơi đang tự trói buộc chúng ta. Chẳng hạn như chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục đang lẫn lộn với chức năng thực hành giáo dục của các cơ sở giáo dục. Như hiện nay Bộ đang làm công tác tuyển sinh thay cho các trường đại học trong khi mỗi trường đại học có những yêu cầu khác nhau, lại có một đội ngũ tri thức lớn, làm sao Bộ thay thế nổi.

Những việc cần làm thì chưa làm, hay làm chưa tốt, trong khi lại lấn sân sang công việc của các cơ sở giáo dục, khiến ách tắc, rối bời, làm cho tê liệt tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, làm tăng gấp bội “tinh thần nặng óc khoa cử, luyện thi trong xã hội”, “bệnh thành tích”, “bệnh đối phó”, “bệnh đấu đá”, “bệnh thiếu trung thực” đang tràn lan khắp nơi, ở mọi người kể cả thầy lẫn trò mà hiện tượng quay cóp đang hoành hành, trở thành quốc nạn!

Như một thầy thuốc cần chẩn đoán đúng bệnh và cho đúng thuốc, thuốc đắng giã tật, bệnh nặng đến đâu cũng chữa được! Phải thẳng thắn nhìn vào sự thật những căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam nói trên. Và phải biết trị tận căn, mới mong chất lượng giáo dục của Việt Nam được cải thiện.

Chất lượng giáo dục đại học tùy thuộc vào những yếu tố, thứ tự theo tình trạng thực tế yếu kém nổi trội và trong tầm tay khả thi mà chúng ta cần phải ưu tiên giải quyết như sau:

- Quản trị.

- Phương pháp dạy học và phương tiện dạy học.

- Thầy.

- Trò.

- Chương trình.

- Cơ sở vật chất của trường.

Trong các yếu tố trên thì chỉ có yếu tố cuối cùng: cơ sở vật chất của trường - ở một nước nghèo như Việt Nam còn rất nhiều hạn chế - phải giải quyết từng bước, còn lại đều nằm trong tầm tay, nếu chúng ta quyết tâm, nhất là thực hiện một cuộc cách mạng giáo dục thực sự, chúng ta có khả năng giải quyết.

Dựa vào thực trạng và yêu cầu về chất lượng của các yếu tố trên, đồng thời dựa vào xu thế thời đại ngày càng chuyên môn hóa rất cao, chúng ta xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học phù hợp và hiệu quả.

Trước hết chúng ta cần có chiến lược đem “cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giáo dục” làm then chốt. Tinh thần khoa học cao nhất, thể hiện nhân cách giáo dục, quan trọng nhất là sự chân xác, sự trung thực. Như thế đồng thời, ta cũng phải xây dựng chiến lược đảm bảo sự trung thực, chân thật gần như tuyệt đối trong giáo dục, tuyệt đối không gian dối để xây dựng một nền văn hóa chất lượng trong sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!

Chiến lược nâng cao chất lượng phải gắn liền với tiến độ của số lượng khi hình thành và phát triển trường. Khi mới hình thành trường, sĩ số sinh viên càng ít càng dễ có chất lượng (Trường ABAC ở Thái Lan, năm 1969 chỉ có 30 sinh viên, tất cả đều được tuyển chọn rất kỹ và hưởng học bổng. Năm 1973, trường mới tuyển sinh và sinh viên mới phải đóng học phí). Khi đã hình thành văn hóa chất lượng, các yếu tố chất lượng đều vững mạnh, mới bắt đầu phát triển số lượng dần dần và tiếp tục sàng lọc rất kỹ (Trường ABAC hiện giờ đã có 20.000 sinh viên mà tỷ lệ sàng lọc chỉ có 20% tốt nghiệp đợt đầu). Vốn là một nhà nghiên cứu giáo dục, sử dụng phương pháp nghiên cứu giáo dục mô tả, bằng cách thâm nhập thực tế vào ngành giáo dục (với tính cách một giảng viên môn phương pháp học tập đại học, tổ trưởng môn giáo học pháp lịch sử, trợ lý hiệu trưởng một trường đại học dân lập về công tác sinh viên và công tác nghiên cứu, kế hoạch, phát triển trường), để thu thập một số thông tin về thực trạng và xử lý thông tin một cách khách quan, xin được trình bày kết quả nghiên cứu cụ thể về chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam như sau:

1/ Thực trạng yếu kém về quản lý giáo dục đại học - Nguyên nhân chủ yếu và những biện pháp khắc phục

1.1/ Thời đại hiện nay, thế kỷ XXI, khoa học quản trị, nhất là quản trị chất lượng trở nên rất hệ trọng cho sự phát triển. Sau một thời gian đổi mới, tư tưởng bao cấp, duy ý chí, quản trị theo cảm tính vẫn còn tàn dư, khoa học quản trị chất lượng chưa thật sự đi vào nền nếp đời sống quản trị giáo dục từ cấp Bộ xuống đến cấp cơ sở giáo dục. Nếp sống văn hóa chất lượng chưa được hình thành. Lãnh đạo Bộ cũng như cấp trường vẫn chưa thật sự quan tâm đến khuyến cáo của các chuyên gia và thực sự chưa xây dựng được một đội ngũ chuyên gia hùng hậu có chuyên môn cao, có khả năng thuyết phục cao, nhất là thích ứng với hoàn cảnh đổi mới, vẫn thường quyết định theo cảm tính hoặc do duy ý chí, nhiều khi không phù hợp, thậm chí trái ngược với chủ trương đổi mới, xã hội hóa giáo dục! Tình trạng ai cũng có thể quản lý được giáo dục, bằng kinh nghiệm hay uy tín, thế lực chính trị chứ không phải do đào tạo chuyên môn quản trị, nhất là chưa được đào tạo chuyên môn quản trị mới: quản trị chất lượng. Những người quản trị giỏi cấp Bộ cũng như cấp trường thực sự vẫn chưa có điều kiện thi thố chuyên môn quản trị của mình, do cơ chế quản trị “bộ tứ” chứa thích ứng với hoàn cảnh đổi mới.

1.2/ Sự lẫn lộn chức năng hoặc chưa làm đúng và làm tốt chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của mỗi trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay vẫn còn chưa làm đúng chức năng quản lý nhà nước giáo dục đại học mà lấn sang chức năng thừa hành giáo dục, cụ thể là hiện đang can thiệp quá sâu vào việc tuyển sinh của các trường đại học, đang làm thay cho các trường đại học công lập cũng như dân lập.

1.3/ Trong việc quản lý chất lượng chuyên môn cái cần quản lý lại buông lỏng, không chặt chẽ, không quy định cụ thể, chưa có các biện pháp cụ thể hiệu quả, cái không cần lại trói buộc gây khó dễ cho chuyên môn cũng như sự phát triển của các trường đại học.

Như tại Thái Lan, đối với các trường công lập thì lo quản lý chặt chẽ về tài chánh, chuyên môn thì để trường hoàn toàn lo. Đối với các đại học tư, nhà nước lại không quản lý tài chánh, quản lý nhân sự lãnh đạo, song lại quản lý rất chặt chẽ về chuyên môn. Khi muốn mở một ngành mới, nhà nước quy định cứ 100 sinh viên thì phải có 3 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 1 cử nhân. Tất cả các trường đều phải tuân thủ, thượng tôn luật pháp!

1.4/ Các khâu định hướng, mục tiêu, kế hoạch, thanh tra, sử dụng, quản lý nhân sự về chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu nhất quán ổn định. Tiêu chí chuyên môn, hiệu quả chưa thật sự được coi trọng. Nhiều biện pháp đổi mới trong dự án giáo dục đại học chậm triển khai trong đó có kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

1.5/ Thực trạng yếu kém trên do đâu? Do tàn dư của cơ chế quản lý bao cấp, cơ cấu nhân sự bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu hiệu quả của thời kỳ đổi mới. Do chức năng chồng chéo, lẫn lộn, trách nhiệm không rõ ràng. Do thiếu chuyên môn, thiếu đào tạo, bồi dưỡng khoa học kỹ thuật quản trị mới từ cấp Bộ đến cấp trường đại học.

1.6/ Các biện pháp khắc phục ra sao?

- Đổi mới tư tưởng, cơ chế, cung cách quản trị mới, chuyên môn hóa, lấy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xã hội là mục tiêu, tiêu chí hàng đầu.

- Có kế hoạch cụ thể xây dựng văn hóa chất lượng vào từng trường đại học. Mỗi trường đại học có một hiệu phó phụ trách về chất lượng đào tạo, về kiểm định chất lượng đào tạo.

- Bộ cũng như mỗi trường đại học nhanh chóng xây dựng đội ngũ chuyên gia giáo dục, với học vị tiến sĩ về quản trị giáo dục đại học trong các lĩnh vực quản trị học đường, soạn chương trình, công tác sinh viên, tư vấn sinh viên (counselling & guidance), phương pháp dạy học… Hoặc gửi người đi tu nghiệp tại nước ngoài hoặc chuẩn bị đào tạo tại các trường đại học trong nước. Trước mắt, mời các chuyên gia nước ngoài hợp tác.

2/ Thực trạng yếu kém về phương pháp dạy học ở các đại học Việt Nam - Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục

2.1/ Hầu như các giảng viên chỉ quan tâm đến truyền đạt kiến thức và kiểm tra trí nhớ mà không quan tâm đến rèn luyện kỹ năng và nhân cách chuẩn bị vào đời, thường dùng phương pháp thuyết giảng là chủ yếu, truyền thụ kiến thức một cách thụ động, có nơi còn nạn thầy đọc trò ghi, hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu hoặc không có biện pháp cụ thể khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu.

Không lấy sinh viên làm trung tâm trong quá trình dạy học. Khi giảng viên áp dụng phương pháp chủ động, lại gặp quá nhiều khó khăn do hạn chế phương tiện thiết bị giảng dạy hay thư viện còn rất hạn chế hoặc sinh viên lại rất thụ động, có thói quen lười suy nghĩ, không làm theo hướng dẫn của giảng viên.

2.2/ Các trường đại học chưa thật sự quan tâm đến hoặc chưa có quy chế chuyên môn cụ thể, rõ ràng buộc giảng viên phải tuân thủ áp dụng hoặc làm lấy lệ, chưa thật hiệu quả, chưa có được nền nếp chuyên môn tốt như các giảng viên đặt nặng tầm quan trọng của buổi giảng đầu tiên, phổ biến rõ ràng, phát nội dung đề cương môn học (syllabus), ghi rõ mục tiêu môn học, lịch giảng các nội dung, phương pháp giảng dạy, phương thức lượng giá, kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ, tỷ lệ điểm, cách tính điểm môn học, sách báo tham khảo của môn học và phổ biến đề cương bài giảng đến từng sinh viên.

2.3/ Các trường đại học vẫn chưa thật sự quan tâm đến thực hành, thực tập. Nên nhớ môn nào cũng phải có bài tập. Các môn học vẫn coi nhẹ bài tập. Bài tập càng nhiều, kỹ năng càng được rèn luyện, tính thưc hành, thực tiễn càng cao! Ngay giáo trình cũng thiếu vắng các bài tập. Các giảng viên rất ngại cho bài tập vì phải bận chấm bài tập. Cấu trúc chương trình cũng như thời khoá biểu cũng thiếu bố trí người và thời gian làm bài tập cho sinh viên. Thiếu hẳn một hệ thống trợ giảng (giảng viên) hay trợ giáo, kèm cặp (tutoring, sinh viên giỏi đàn anh phụ trách, được cấp tiền bồi dưỡng tượng trưng từng giờ hay từng buổi phụ việc).

2.4/ Các trường đại học ở Việt Nam chưa quan tâm đến phương pháp học nhóm, các thư viện chưa bố trí những phòng học nhóm, chưa có trường nào bố trí rất nhiều bàn ghế để cho bất cứ sinh viên lúc chưa đến giờ học hay giờ trống đến ngồi gặp gỡ nhau. Các giảng viên cũng không bắt buộc những bài tập làm theo nhóm, chấm điểm theo nhóm.

2.5/ Các phòng học ở các đại học ở Việt Nam chưa trang bị sẵn thiết bị giảng dạy hiện đại như máy overhead hay máy computer projector. Đầu tư vào các thiết bị trên không nhiều so với các thiết bị thực hành hay cơ sở trường học khác, không ngoài khả năng của các trường đại học Việt Nam nếu quyết tâm thực hiện.

2.6/ Nguyên nhân của thực trạng yếu kém trên: Do ảnh hưởng từ lâu của lối dạy học nặng lý thuyết, mang tính kinh viện. Do ảnh hưởng từ lâu cách kiểm tra, cách thi nặng về kiến thức, cách đánh giá về kết quả hơn về cách đánh giá quá trình học tập. Cách đánh giá, cách thi nào sẽ có cách học đó. Do ảnh hưởng từ lâu lối giáo dục đặt nặng về điểm số, đặt nặng thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú và thực tiễn, trò lo học đối phó để kiếm điểm kể cả quay cóp tràn lan.

2.7/ Các biện pháp khắc phục:

- Đổi mới tư tưởng giáo dục, lấy sinh viên làm trung tâm trong quá trình dạy học, phát huy tính tích cực, tính chủ động tự học trong học tập và nghiên cứu hầu đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Các trường đại học xây dựng quy chế chuyên môn cụ thể buộc các giảng viên phải đổi mới phương pháp dạy học.

- Quy chế chuyên môn, giảng dạy được quy định rất cụ thể: buộc phải đề cương môn học rất kỹ càng và đề cương bài giảng với những yêu cầu đổi mới cụ thể, quy định rất rõ ràng các biện pháp quản lý, giám sát chuyên môn quy trình triển khai các đề cương môn học và đề cương bài giảng đến từng sinh viên ngay từ buổi giảng đầu tiên. Xây dựng nghiêm túc và có hiệu quả chế độ trợ giảng, trợ giáo, kèm cặp (tutoring với sự cộng tác của các sinh viên giỏi đàn anh). Các giảng viên trẻ buộc phải có chứng chỉ lý luận dạy học đại học và kỹ năng sư phạm mới.

- Cấu trúc chương trình của từng môn học và giáo trình, đề cương bài giảng phải có các bài tập. Một buổi học lý thuyết phải được bố trí 1 buổi bài tập.

- Các trường đại học phải đẩy mạnh kế hoạch học nhóm, lao động nhóm như là biện pháp quản lý chất lượng đào tạo từ dưới cơ sở sinh viên lên trên, thể hiện quản trị chất lượng đồng bộ (TQM) để rèn luyện sinh viên khả năng “leadership” và cách làm việc theo “teamwork” mà Nhật và các nước phát triển đang áp dụng có hiệu quả trong sản xuất, cũng là cách làm của một nước nghèo như Việt Nam khiến sinh viên tự lo, chủ động giải quyết những vấn đề khó khăn của chất lượng đào tạo. Thiếu phương tiện như sách báo, máy móc như vi tính, thiếu cơ sở như địa điểm, thiếu sinh hoạt, từng nhóm sẽ chủ động giải quyết.

- Xây dựng thư viện hiện đại, điện tử, truy cập Internet, có cả phòng học nhóm và phòng multimedia.

- Mỗi phòng học đều được trang bị phương tiện giảng dạy hiện đại như máy overhead, máy computer projecor…

- Chương trình hoạt động ngoại khóa cũng không kém phần quan trọng như chính khóa, ngoài học tập văn thể mỹ, còn có các hoạt động ngoại khóa khác như xê-mi-na, báo cáo chuyên đề, bài tập nghiên cứu khoa học, tham quan, trại tập huấn, thực tế bộ môn, học việc hè, ngày nghề nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và việc làm…

- Đổi mới cách đánh giá, kiểm tra, đánh giá quá trình học tập và đánh giá kết quả học tập bằng nhiều phương pháp khác nhau từ trắc nghiệm khách quan đến luận đề, làm bài tập nghiên cứu… Tính điểm nên có điểm chấm kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ và những bài tập nhất là những bài tập nghiên cứu chuyên đề. Cách tính điểm được thông báo trong đề cương môn học ngay từ buổi học đầu tiên.

- Tổ chức thường xuyên hội thảo đổi mới phương pháp dạy học.

- Đẩy mạnh kế hoạch cho đi tu nghiệp hay đào tạo các chuyên gia về phương pháp dạy học hiện đại. Trước mắt mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn hay bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học.

3/ Thực trạng yếu kém về thầy ở Việt Nam - Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục

3.1/ Học vị tiến sĩ là điều kiện chuẩn có khả năng dạy đại học. Hiện nay số lượng giảng viên có học vị này còn quá thấp so với khu vực ASEAN cũng như các nước phát triển trên thế giới.

Dĩ nhiên cũng có các trường hợp ngoại lệ chỉ có bằng cử nhân nhưng vẫn là người giảng viên đại học giỏi, đầu ngành, được phong hàm giáo sư hay phó giáo sư. Đối với các nước trên thế giới, người có học vị cử nhân chỉ có thể làm trợ giảng mà không được phép dạy lý thuyết. Điều này ta chưa làm được, rõ ràng đã phản ánh chất lượng yếu kém của đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam. Đó là chưa kể trong thực tế, những người có học vị tiến sĩ hay phó tiến sĩ vẫn chưa đạt được trình độ dạy học ở đại học, với kiến thức uyên bác, có tinh thần đại học, học vô bờ bến và sáng tạo. Nhiều người chỉ có thể đọc cho sinh viên ghi hay giảng nhiều lỗ hổng kiến thức hay sai kiến thức!

3.2/ Đội ngũ giảng viên đại học tại Việt Nam còn rất yếu kém về nghiên cứu sáng tạo, hiện chỉ mang tính đối phó, mang tính phong trào, làm lấy lệ, rất ít người say mê nghiên cứu và giành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu ngay cả những người có khả năng nghiên cứu. Đại học ở Việt Nam thật sự chưa coi trọng công tác nghiên cứu, thiếu sự khuyến khích cả vật chất lẫn tinh thần, khiến nhiều người sợ công tác nghiên cứu, vì quá bạc bẽo! Nhiều cơ quan hỗ trợ tài chánh cho công tác nghiên cứu lại không phải cho đại học và thường thủ tục nhiêu khê, phiền hà, khiến những người có khả năng nghiên cứu thật sự không dám tiếp cận!

3.3/ Rất ít người có khả năng cập nhật những thông tin khoa học mới trên thế giới và có mối quan hệ, giao lưu quốc tế do rất nhiều hạn chế về mặt ngoại ngữ cũng như kiến thức, nhu cầu kiến thức và đặc biệt phương tiện tiếp cận báo chí nước ngoài!

3.4/ Các giảng viên phải lo kiếm sống, nên việc lo tròn trách nhiệm của một người giảng viên bình thường đã là điều rất khó, chứ chưa thể nghĩ tới trách nhiệm nghiên cứu hay đi xa hơn nữa là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ngay như những người có tinh thần trách nhiệm cao nhất.

3.5/ Chính sách đãi ngộ, khuyến khích mang tính phong trào, không thiết thực, thiếu thực chất cũng như không thể làm nhúc nhích sức ì ạch hiện nay của đội ngũ giảng viên đổi mới phương pháp hay chất lượng đào tạo!

3.6/ Hiện tượng đấu đá không những phổ biến trong giới lãnh đạo để tranh quyền lực mà ngay trong các cán bộ giảng viên bình thường để tranh giành các danh hiệu thi đua, đã tạo ra một môi trường làm việc không được lành mạnh, làm sao công tác giảng dạy và nghiên cứu có thực chất. Đó là chưa kể địa vị của người thầy chưa thật sự được tôn kính dưới mắt trước hết với cán bộ công nhân viên chứ chưa nói đến sinh viên. Có hiện tượng người ta sợ làm nghề nào có ngày kỷ niệm của ngày đó! Bởi chỉ có một ngày trong năm mới thật sự được coi trọng!

3.7/ Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng như trên? Do lịch sử thời bao cấp và thời chiến tranh để lại. Tình trạng thầy không ra thầy, trò không ra trò, trường không ra trường, lớp không ra lớp là chúng ta hiểu được và đành chấp nhận trong hoàn cảnh lịch sử đó, vì yêu cầu của đấu tranh, một mất một còn, không thể nào khác! Mà hiện nay trong thời kỳ đổi mới và hội nhập với khu vực và thế giới, yêu cầu hoàn toàn khác, cách làm phải theo quy luật hoàn toàn khác, nếu ta muốn tồn tại và phát triển! Trong hoàn cảnh đó, yêu cầu của chuyên môn, yêu cầu cao của khoa học kỹ thuật giáo dục chưa phải là yêu cầu hàng đầu!

Do tư tưởng, con người, cách làm của thời bao cấp, thời chiến tranh không dễ gì một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được. Do đời sống vật chất của giảng viên quá thấp, không ai sống bằng đồng lương, không ai có thể toàn tâm toàn ý và đủ thời gian hoàn thành trách nhiệm chuyên môn của họ. Không thể đòi hỏi nhiều hơn nữa nơi họ vì họ đã chịu đựng như thế là quá phi thường, quá sức chịu đựng của họ rồi, nhất là đối với những người có khả năng và trách nhiệm cao!

3.8/ Các biện pháp khắc phục ra sao?

- Cần phải làm một cuộc đổi mới tư duy triệt để trong giáo dục đặc biệt trong chiến lược xây dựng đội ngũ người thầy ở đại học, cần có những người có học vị tiến sĩ bước đầu biết nghiên cứu, sáng tạo và phát huy tối đa mặt mạnh nghiên cứu của họ để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

- Cấp bách có biện pháp tức thời đi tiên phong trong cải tiến tiền lương, bằng cách tăng thu nhập bổng, tận dụng hết từ quỹ học phí, hơn cả các cơ sở doanh nghiệp quốc doanh làm ăn có lãi hay doanh thu dịch vụ cao như bưu điện, điện lực, ngân hàng. Vì khi ta đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, sản xuất nguồn nhân lực, vốn quý để phát triển đất nước, thì chính sách bổng lộc cũng phải ưu tiên hàng đầu. Thu được bao nhiêu từ nguồn học phí, lệ phí hay tiền hỗ trợ nghiên cứu, do công sức giảng dạy và nghiên cứu mà có thì trả lại hết cho các giảng viên, để học dốc lòng giảng dạy và nghiên cứu. Trường nào chưa lấy thu bù chi cho bổng của giảng viên thì nhà nước sẽ trợ cấp trong một thời gian. Nếu muốn tồn tại thì quỹ điều hành của trường phải do mỗi trường tự lo. Đây là loại bổng rất đặc biệt, được gọi là “tiền dưỡng giáo phát triển đất nước”.

Nhà nước nên rộng rãi cho các trường quyền ấn định học phí, tương ứng với khoản chi của trường. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ học bổng và quỹ vay cho sinh viên nghèo một cách có hiệu quả.

- Nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên, mỗi trường ít nhất 40% tiến sĩ, 45% thạc sĩ, 15% cử nhân. Phải để cho mỗi trường hay đúng ra mỗi khoa chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên của từng khoa hay của trường đó.

- Có kế hoạch cho đi du học hoặc du học tại chỗ đào tạo giảng viên đại học.

- Mỗi trường học có kế hoạch trao đổi giảng viên ở trong và ngoài nước.

- Mỗi trường với sự hỗ trợ của nhà nước mời các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy đến hợp tác, tập huấn của công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu.

4/ Thực trạng yếu kém của trò tại các trường đại học - Nguyên nhân và những biện pháp khắc phục

4.1/ Sinh viên trúng tuyển vào đại học kể cả các học sinh giỏi ở phổ thông gần như bị vắt gần kiệt sức, bị hụt hơi, muốn nghỉ xả hơi, chứ đừng nói đến hứng thú, say mê học tập.

4.2/ Rất ít các sinh viên chọn học được ngành học và trường đại học thích hợp với sở trường và sở thích đích thực của mình và trường cũng không chọn được sinh viên mà mình muốn đào tạo. Vẫn có cái gì gượng ép, mang tính áp đặt, may rủi và không khớp nhau. Học sinh phổ thông thực sự vẫn chưa được chuẩn bị tốt cho sự lựa chọn ngành nghề, chọn trường đại học mà mình thích cũng như chuẩn bị tốt cách học ở đại học. Chất lượng đào tạo ở phổ thông còn nhiều bất cập.

4.3/ Sinh viên chỉ học đối phó, cốt lấy điểm, học cho qua, trở thành bệnh thành tích, bệnh hình thức, thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, thiếu thực tài, ngay cả sinh viên khá giỏi cũng sẵn sàng quay cóp nhất là đối với những môn học khó nhớ, lại quá nhiều giờ học, mà không phải ngành nào cũng như nhau khiến sinh viên không thích học. Ngay cả người lớn cũng thế! Chuyện bình thường!

4.4/ Sinh viên trong thời kỳ đổi mới, mở cửa khác hẳn với sinh viên thời bao cấp, thời kỳ đấu tranh hay chiến tranh có yêu cầu giáo dục khác mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, điều khác cơ bản là nhà nước không đương nhiên thâu dụng, mà hầu hết là do các tổ chức ngoài nhà nước kể cả ở nước ngoài thâu dụng họ.

So với yêu cầu hiện nay cũng như trong tương lai của các tổ chức ngoài nhà nước, trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng kỹ xảo cũng như năng lực, phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực của sinh viên còn quá thấp. Muốn sử dụng thật sự cần phải đào tạo lại hoặc phải chấp nhận vậy.

4.5/ Nguyên nhân từ đâu? Do từ lâu, quan niệm, định hướng giáo dục, mục tiêu giáo dục rất mơ hồ, có thói quen lượng giá, đánh giá, thi, kiểm tra trong các hệ thống giáo dục rất sai lầm, chỉ theo lối đánh giá kết quả bằng điểm số mà chỉ về kiến thức, không đánh giá theo quá trình học tập, ít quan tâm đế những mục tiêu về kỹ năng, thái độ, nhân cách chuẩn bị vào đời, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ngay cách đánh giá đạo đức của sinh viên vừa mới ban hành cũng nặng về điểm số và không giao trách nhiệm cho các giảng viên đánh giá nhận xét!

Đồng thời do nhà nước áp dụng một hệ thống thi cử, thi đấu, thi đua hết sức nặng nề khắp các cấp, khắp các đối tượng, cán bộ, thầy và trò cùng một số nguyên nhân khác tạo ra tinh thần khoa cử, thi đấu rất nặng nề trong xã hội, tạo áp lực học sinh phải học thêm, học tủ để đạt kết quả trước mắt với bất cứ giá nào kể cả kiệt sức, quay cóp… đưa tới cách dạy đối phó, học đối phó.

Do giáo dục phổ thông chưa chuẩn bị tốt, hướng dẫn rèn luyện để học sinh lựa chọn ngành học, trường học phù hợp và chuẩn bị cách học ở đại học. Do trình độ nhận thức và thông tin về ngành học, trường học của học sinh và phụ huynh học sinh trong xã hội còn rất yếu kém. Do nghịch lý lớn lao giữa đào tạo và sử dụng! Trong thời kỳ đổi mới và xây dựng, yêu cầu rất cao của người sử dụng lao động về chuyên môn, khoa học kỹ thuật, tính hiệu quả cũng rất cần thiết để tồn tại và phát triển mà trong đào tạo chưa thật quan tâm và chưa làm tròn!

4.6/ Các biện pháp khắc phục:

- Cần vận động thay đổi đến gốc rể để xây dựng quan điểm, định hướng, mục tiêu giáo dục mang tính thực tiễn và hiệu quả cao, một nỗ lực dạy học và làm theo định hướng, mục tiêu giáo dục toàn diện, đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng quan trọng của thời đại kiến thức, thông tin bùng nổ như nêu và giải quyết vấn đề, cách làm việc với tập thể, cách ứng xử, cách giao tiếp và phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, nhân cách… chuẩn bị vào đời.

- Thay đổi hoàn toàn cách đánh giá theo quá trình công tác và học tập chứ không phải chỉ kết quả và không chỉ bằng điểm số, có những nhận xét của từng giảng viên đối với từng sinh viên cụ thể! Môn nào sẽ phụ trách từ a đến z kể cả coi thi và chấm điểm.

- Cải tổ chế độ thi cử, kiểm tra, bãi bỏ bớt, giảm nhẹ các kỳ thi tập trung nhất là không tổ chức tuyển sinh đại học theo ba chung. Cục khảo thí chỉ nên lo thi cử ở phổ thông. Chất lượng đào tạo kể cả đầu ra đều giao cho từng trường đại học đảm nhiệm.

- Chống luyện thi, không xuê xoa, trị tận gốc quốc nạn quay cóp, thiếu trung thực trong dạy và học, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng nhắc nhở răn đe. Loại bỏ ngay tức khắc, thông báo khắp nơi về những người vi phạm, gian dối.

- Giảm bớt các cuộc thi đấu, luyện thi đấu có tính cách “gà chọi”, kiểu trường chuyên, lớp chọn!

- Đổi mới triệt để phương pháp dạy học ở đại học cũng như ở phổ thông.

- Lấy thực chất, thực học, thực tài làm tiêu chí hàng đầu và tránh điều tối kỵ đối trá, thiếu trung thực, thủ đoạn trong môi trường giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục thật lành mạnh, thật khoa học, thật chuyên môn… Loại trừ triệt để những nhân sự thiếu phẩm chất giáo dục, thiếu trung thực. Dùng mọi biện pháp để chống lại bệnh hình thức, cung cách đối phó!

- Phân hóa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học. Dùng chính sách quản lý nhà nước cho phép các trường đại học tự quản cao, chủ động năng cao chất lượng đào tạo.

- Xây dựng bộ phận tư vấn học tập, tư vấn tâm lý (guidance, counselling) tại trường học đủ mọi cấp và cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

5/ Thực trạng yếu kém về chương trình đại học - Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục

5.1/ Định hướng, mục tiêu, phương pháp dạy học và phương thức lượng giá hầu như không thấy ghi trong chương trình hoặc rất sơ sài, phản ảnh sự thiếu chuyên môn trong việc soạn các chương trình dạy học và dĩ nhiên chất lượng chương trình cũng như sự thực hiện chương trình còn rất thấp.

5.2/ Định hướng, mục tiêu chương trình đại học chưa được thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập vào thế giới còn chịu ảnh hưởng của thời kỳ bao cấp, duy ý chí.

5.3/ Cấu trúc chương trình nhiều điểm chưa hợp lý, chiếm quá nhiều thời gian lên lớp về lý thuyết, rất ít giờ bài tập, rất ít giờ hoạt động ngoại khoá tự học, tự nghiên cứu. Chương trình niên chế quá cứng nhắc, không còn phù hợp. Không tạo cho sinh viên lựa chọn để đi sâu vào chuyên môn hơn. Phân chia thành quá nhiều môn học, chiếm nhiều thời gian không cần thiết.

5.4/ Nhiều nội dung chương trình lạc hậu hay nặng nề, không còn phù hợp, tạo sự chán nản cho sinh viên, khiến sinh viên không đi sâu vào ngành học, nhất là năm đầu tiên có quá ít môn của ngành học.

5.5/ Nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém: Do chưa thật mạnh dạn đổi mới, còn ảnh hưởng tư duy giáo dục thời bao cấp. Do người soạn chương trình chưa được đào tạo chính quy tốt về soạn chương trình học, chưa đảm bảo những nguyên tắc về định hướng và mục tiêu, từ đó, nội dung và phương pháp giảng dạy và cách thức lượng giá phải thể hiện. Do Bộ và các trường đại học chưa chuẩn bị tốt, xây dựng, đào tạo đội ngũ các chuyên gia soạn chương trình và triển khai tốt kế hoạch soạn chương trình đào tạo đại học.

5.6/ Biện pháp khắc phục:

- Vận động sự đổi mới tư duy giáo dục một cách sâu rộng.

- Có kế hoạch đào tạo chuyên gia nghiên cứu giáo dục, soạn chương trình đến từng đại học trong nước và cho đi du học hoặc tu nghiệp. Trước mắt mời các chuyên gia quốc tế soạn chương trình, hợp tác trong Dự án cải cách giáo dục đại học, rà soát lại chương trình đại học hiện hành.

- Tổ chức các cuộc hội thảo về soạn chương trình đại học

- Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chương trình và việc thực hiện các chương trình đại học hiện hành.

6/ Thực trạng yếu kém về cơ sở vật chất trưởng sở - Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục

6.1/ Cơ sở vật chất đại học ở Việt Nam kể cả công lập và dân lập đều rất yếu kém, từ quy mô đến chất lượng, tính hiệu quả phục vụ sự giảng dạy cũng như học tập, nghiên cứu cũng như sinh hoạt cuộc sống của sinh viên cũng như giảng viên…, nhất là các trường đại học dân lập thì hầu như chưa có, bởi một vài trường có rồi chỉ là tạm bợ, chưa có thể là quy mô hay chất lượng của một trường đại học, nếu chưa muốn nói chưa được là một trường trung học phổ thông trung bình. Cũng có thể chỉ ở Việt Nam mới xảy ra tình trạng cơ sở vật chất trường đại học như vậy!

6.2/ Việt Nam chưa có một trường đại học nào xây dựng được cơ ngơi trường sở của một campus mà hầu hết các nước ASEAN đã có. Cơ ngơi của trường đại học Đà Lạt có thể là một campus vào loại trung bình mà vẫn chưa hoàn chỉnh.

6.3/ Ngay cả cơ sở học tập không tốn kém lắm, trong khả năng tài chính của mỗi trường, song rất hiệu quả cho cách giáo dục mới như cơ sở giành cho học nhóm, cũng không chịu xây dựng.

6.4/ Nguyên nhân nào?

- Nhà nước cũng như xã hội chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng các trường học, tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu hay tinh thần hiếu học của người Việt Nam

- Có vẻ như đã có thói quen học ở đâu cũng được, không sao!

- Chưa quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ cho phương cách học tập hiện đại như học nhóm, phương pháp dạy và học giao tiếp…

6.5/ Các biện pháp khắc phục:

- Nhà nước phải có kế hoạch, giành ngân sách lớn lao, kể cả quỹ vay hỗ trợ tiền bồi hoàn đất cũng như xây dựng trường sở bao gồm cả các đại học ngoài công lập. Nếu không làm ngay thì không còn các khu đất trống lớn, càng ngày càng gây khó khăn trở ngại, không những các trường khó phát triển mà còn có nguy cơ tiêu vong, để lại cho xã hội nhiều di hại không nhỏ.

- Nhà nước nên phân cấp chính quyền hỗ trợ, ban hành chính sách miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng trường.

- Có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn: mỗi người dân và phụ huynh hỗ trợ một viên gạch, một thước vuông đất hay thước vuông xây dựng, mỗi doanh nghiệp một phòng học, một công trình xây dựng trường sở cho trường đại học, sẽ được dựng bia, đặt tên ghi công… Toàn dân cùng làm giáo dục!

- Tổ chức cho cán bộ, các doanh nghiệp đi tham quan học hỏi các trường sở đại học nước ngoài, trước hết tại các nước Asian để gây cảm xúc, ấn tượng về sự nhục nhã về trường sở của một đất nước có tinh thần hiếu học, và có bề dày 4.000 năm văn hiến!

Trong thời kỳ vong quốc, toàn dân ta đã thấy được cái nhục vong quốc, đã nỗ lực hết mình dù qua bao gian khổ, hy sinh, cuối cùng đã thành công, giành lại độc lập cho đất nước!...

Trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, ta phải làm cho toàn dân nhất là thế hệ trẻ thấy được cái nhục của nghèo nàn, lạc hậu vào hàng đầu thế giới.

Hãy nhìn thẳng vào thực trạng yếu kém của đại học Việt Nam, thực hiện những biện pháp trên từng bước khắc phục được những yếu kém của đại học, tức là đã làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giáo dục, thực hiện chiến lược xây dựng sự trung thực, chân thật, nhân cách giáo dục, chiến lược chuyên môn hoá giáo dục, hiện đại hoá giáo dục đại học, xây dựng nền văn hoá giáo dục đại học hầu góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập vào thế giới, khiến nước ta sớm trở thành một con rồng châu Á.

TS Nguyễn Nhã

Ban BT&QT Website đăng tin