1. Gặp những giáo sư đầu ngành
Ở đại học, bạn có cơ hội học với những chuyên gia trong lĩnh vực chuyên sâu mà bạn theo đuổi. Bạn hãy tạo dựng mối quan hệ và liên lạc với các giáo sư giỏi trong ngành học của mình thông qua những giờ học mà các thầy cô giảng dạy. Bỏ qua những buổi hội thảo để tạo dựng quan hệ là một sự phí phạm. Từ các giáo sư giàu tâm huyết, bạn không chỉ được chỉ dẫn kiến thức chuyên môn, giới thiệu những đầu sách hay mà cả phương pháp lập luận, phương pháp nghiên cứu khoa học. Hãy xây dựng những mối quan hệ học thuật dựa trên tinh thần cầu thị và tôn trọng, bạn sẽ nhận được những lời khuyên vô cùng quý giá của người đi trước.

2. Những mối quan hệ giảng đường
Bạn hãy chủ động cập nhật lịch học, phòng học, giữ liên lạc với lớp trưởng, thầy cô ở khoa, phòng đào tạo để vượt quá bỡ ngỡ và những thay đổi trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa tân sinh viên và anh chị khóa trước vô cùng quan trọng. Các anh chị sẽ tư vấn cho bạn cách học, cho mượn tài liệu, thậm chí cả “bật mí” tính cách của từng giảng viên bạn sắp tiếp xúc. Ở một số ngành như Kiến trúc, mối quan hệ giữa tân sinh viên và anh chị năm cuối cực kỳ khăng khít. Sự “cộng sinh” xuất phát từ nhu cầu cần người phụ việc đồ án của sinh viên năm cuối và nhu cầu thực tập kỹ năng của sinh viên năm đầu. Sự “cộng sinh” của sinh viên Sân khấu – Điện ảnh diễn ra giữa sinh viên các khoa tạo nên những êkíp làm phim ăn ý…

3. Thư viện
Vào đại học, bạn được tiếp xúc với thư viện, phòng thí nghiệm quy mô gấp nhiều lần so với trường phổ thông. Thư viện có đủ loại sách khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, các ngành nghệ thuật cũng như sách kỹ năng… Lập lịch học ở thư viện là điều cần thiết để theo kịp phương pháp học đại học. Theo phương pháp mới hiện nay, giảng viên yêu cầu sinh viên chủ động tìm đọc các đầu sách liên quan đến một chuyên đề nhất định và tổng hợp để thuyết trình trước tập thể.

4. Học chủ động và biết phản biện
Tân sinh viên cần làm quen cách học mới là hiểu, nghi vấn và đặt vấn đề. Bạn cần những lập luận và chứng minh lập luận, thuyết phục người khác theo cách của mình. Bạn tìm tòi các vấn đề và quan điểm khác, quan điểm trái ngược chứ không “há hốc miệng”, thụ động “nuốt trôi” tất cả những gì giảng viên truyền đạt. Học chủ động đòi hỏi bạn tìm đọc cùng lúc nhiều giáo trình cùng tài liệu liên quan để so sánh đối chiếu cũng như tích lũy tư liệu làm vốn. Nếu không chủ động, sau 4 năm đại học, bạn chẳng có bao nhiêu hành trang ngoài “những mẩu vụn” kiến thức, thông qua những tiết học ngắn ngủi trên giảng đường.

5. Đi sâu một vấn đề tâm đắc
Vào chuyên ngành, bạn sẽ cảm thấy thích thú với một vấn đề nào đó và muốn đi sâu tìm hiểu. Hãy đi từ những vấn đề nhỏ và vừa sức. Đồng thời, bạn làm dày kiến thức bằng việc tìm tòi, nhờ giảng viên, bạn bè, anh chị khóa trước tư vấn. Khi những vấn đề quan tâm của bạn được hệ thống hóa và trở nên đầy đặn thì phương pháp nghiên cứu, làm khóa luận, luận văn cũng được hình thành. Viết và làm một đề tài khoa học sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi thực hiện các đề tài dự án trong công việc.

6. Thi cử kiểu đại học
Học đại học sẽ không còn những tiết kiểm tra 15 phút hay 1 tiết mà chỉ có kiểm tra giữa kỳ và kết thúc môn. Trong kỳ thi, đề có thể ra bất kỳ vấn đề gì trong chuyên môn. Điều này lý giải, vì sao có những bạn học rất giỏi ở phổ thông nhưng không bắt nhịp được cách học đại học sẽ rất khó khăn. Bạn không thể học thuộc lòng hết tất cả lượng kiến thức nếu không có phương pháp ghi nhớ. Chưa kể, rất nhiều môn học thi đề mở.

7. Tham gia các câu lạc bộ học thuật
Đầu năm, trong ngày hội chào đón tân sinh viên, các câu lạc bộ ở trường thường mở các gian hàng và chuẩn bị những phần kiểm tra để tuyển chọn thành viên cho câu lạc bộ. Việc ứng tuyển và tham gia một câu lạc bộ là cách giúp bạn tạo dựng nhiều mối quan hệ rộng hơn quy mô khoa hay lớp. Bạn có “đất” để phát huy khả năng chuyên môn. Những góc nhìn khác nhau và sự hỗ trợ của các đồng môn sẽ giúp bạn nâng cao kiến thức chuyên môn và hứng thú hơn với môi trường đại học.