Khoa xây dựng thường chia làm hai phân ngành: xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp. Ở một số nước trên thế giới, ngành xây dựng còn đào tạo kỹ sư trắc địa và kỹ sư giao thông. Kỹ sư trắc địa nghiên cứu những đặc tính của các lớp đất đá và các biện pháp xử lý kỹ thuật cho những công trình xây dựng trên/ trong loại địa hình đất đá đó. Lĩnh vực quan tâm đặc biệt của họ là móng cho những công trình xây dựng quy mô như đập thủy điện, đường hầm, đê chắn sóng và ảnh hưởng của đặc điểm thổ nhưỡng đối với công trình xây dựng. Trong phần này chúng ta làm quen với kỹ sư xây dựng dân dụng.

Tính chất nghề nghiệp

Kỹ sư xây dựng là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch, giám sát việc xây dựng và sửa chữa trong các công trình xây dựng dân dụng.

Chức năng nhiệm vụ:

- Bàn bạc trao đổi các vấn đề liên quan với khách hàng, các cán bộ chuyên trách của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và những đồng nghiệp khác

- Nghiên cứu, điều tra, đánh giá các công trình xây dựng;

- Lập kế hoạch và thiết kế những hạng mục khác hỗ trợ cho công trình xây dựng như đường đi, hệ thống thoát nước tại địa điểm xây dựng;

- Dám bảo việc xây dựng diễn ra trong khuôn khổ quy định của cơ quan chức năng tại địa bàn xây dựng;

- Đảm bảo các cơ sở pháp lý của dự án bằng cách thông qua xét duyệt của các ban ngành chức năng;

- Lập bản dự toán và các văn bản hợp đồng cần thiết cho việc xây dựng;

- Quản lý giám sát công trình xây dựng để đảm bảo quá trình xây dựng diễn ra theo đúng bản vẽ đã được duyệt và hợp đồng giữa các bên;

- Đảm bảo công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định;

- Thường xuyên đến công trường gặp gỡ chủ thầu và khách hàng, để đảm bảo có một sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả ...,

Tiêu chuẩn yêu cầu:

- Văn hóa, chuyên môn:

Tốt nghiệp đại học xây dựng hoặc khoa xây dựng ở các trường đại học bách khoa, hoặc kiến trúc.

Kỹ năng:

- Tính toán;

- Đọc hiểu bản vẽ;

- Kỹ năng thiết kế cơ bản trong phát triển các đồ án xây dựng;

- Phân tích và truyền đạt thông tin kỹ thuật cho khách hàng;

- Kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch;

- Giao tiếp;

- Trình bày vấn đề;

- Giải quyết vấn đề;

- Kỹ năng viết báo cáo;

- Kỹ năng sử dụng máy tính đặc biệt là những phần mềm trong đồ họa;

- Kỹ năng giao tiếp và đọc hiểu tiếng Anh.

“Dù thiết kế không phải là yêu cầu chính nhưng nếu kỹ sư xây dựng làm được những kỹ năng thiết kế cơ bản thì đấy sẽ là một lợi thế trong công việc của anh ta.''

Hoàng Nam, kỹ sư xây dựng

 

 

Kiến thức:

- Kỹ sư xây dựng cần có vốn kiến thức thuộc những lĩnh vực sau:

- Kiến trúc;

- Các phương pháp xây dựng

- Các loại vật liệu xây dựng;

- Hiểu biết về Luật xây dựng;

- Các phương pháp nghiên cứu điều tra trong xây dựng;

- Quy hoạch của địa phương.

Đặc điểm tính cách:

- Kỹ sư xây dựng là người có một hoặc nhiều những đặc điểm sau:

- Ý thức tổ chức kỷ luật cao;

- Ý thức về an toàn cao;

- Là người có đầu óc thực tế, dễ thích ứng với những người chung quanh;

- Tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết;

- Có óc phán đoán tốt;

- Khả năng làm việc dưới áp lực;

- Khả năng làm việc độc lập và theo nhóm.

Yêu cầu thể chất:

Do tính chất công việc, kỹ sư xây dựng cần có một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cân đối nhất là khi làm việc ngoài công trường.

Đào tạo nghề

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư xây dựng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc cũng như qua những khóa học chuyên đề, các buổi hội thảo và hội nghị để theo kịp những đổi mới trong ngành.

Những kinh nghiệm hữu ích đối với kỹ sư xây dựng dân dụng là thời gian làm việc ở những công ty xây dựng, ngành cầu đường, điều tra môi trường, địa chất công trình v.v. .

Môi trường và điều hiện làm việc

Môi trường

Kỹ sư xây dựng thường làm việc trong văn phòng và ngoài công trường.

“Phần lớn công việc của người kỹ sư xây dựng diễn ra ngoài công trường, anh ta không được bỏ sót một chi tiết nào trong quá trình quản lý giám sát của mình”

Nguyễn Phúc, chủ thầu xây dựng

 

 

Dụng cụ lao động:

- Máy vi tính và các phần mềm hỗ trợ trong đồ họa;

- Bản vẽ các công trình xây dựng;

- Thước đo;

- Dụng cụ an toàn lao động;

- Dụng cụ trong kiểm tra, nghiên cứu, đo lường;

- Camera.

Điều kiện làm việc:

- Trong văn phòng (với điều kiện làm việc thoải mái, yên tĩnh) và ngoài trời trong mọi điều kiện thời tiết.

- Làm việc trong giờ hành chính nhưng có thể phải làm việc ngoài giờ trong thời gian nước rút.

Quan hệ công tác:

- Kỹ sư xây dựng làm việc độc lập hoặc theo nhóm, mối quan hệ của họ chủ yếu với khách hàng, kiến trúc sư và những cán bộ kỹ thuật khác. Họ cũng có thể làm việc với những nhóm nghiên cứu, điều tra, thanh tra trong xây dựng.

Bậc thang thăng tiến:

Khi có kinh nghiệm và hội đủ một số điều kiện, kỹ sư xây dựng có thể mở công ty riêng với tư cách là một chủ thầu xây dựng hoặc là một người hùn vốn trong một công ty xây dựng.

Triển vọng nghề nghiệp:

Với đà tăng trưởng nóng ở Việt Nam dự kiến cho đến năm 2020, nhu cầu về kỹ sư xây dựng đang phát triển mạnh. Tỷ lệ kỹ sư xây dựng mới tốt nghiệp có việc ngay khá cao so với các ngành khác. Nếu bạn chịu đầu tư cho tương lai bằng cách tham gia vào những công trình trọng điểm thì đó là một sự đầu tư tốt.