Để các bạn sinh viên làm được điều đó, có gì quý hơn khi các em được nghe những lời nói chân tình, những lời khuyên bổ ích đến từ các chuyên gia, doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực chuyên ngành mà các em đang theo học. Điều đó đã là sự thật, khi mà ngày 24/11/2016, nhận lời mời của Khoa Xây dựng, anh Nguyễn Văn Lâm – Chuyên gia thiết kế cầu – Phó giám đốc tiểu dự án VRAMP của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đến và dành cho các bạn sinh viên một buổi nói chuyện bổ ích, mang đến cho các bạn sinh viên một cái nhìn sâu sắc, rộng mở và rất mới mẻ trong định hướng nghề nghiệp tương lai và đặc biệt là những thành quả, công nghệ mới trong thiết kế xây dựng cầu đường.

            Buổi nói chuyện bắt đầu lúc 16h30’ muộn hơn so với dự kiến 1,5 tiếng đồng hồ, do chuyến bay từ Đà Nẵng đến Vinh của anh Lâm bị chậm trễ. Các bạn sinh viên đã đến từ rất sớm và cố gắng chờ đợi để được nghe chuyên gia nói chuyện đã nói lên việc khát thông tin thực tế như thế nào. Bù đắp vào sự mong muốn đó, Anh Lâm cũng đã rất nhiệt tình, không quản mệt mỏi, rời khỏi máy bay là đi thẳng đến với các bạn sinh viên.

            Như nắm bắt được tâm lý của các bạn sinh viên, câu chuyện đầu tiên anh Lâm đưa đến là hướng nghiệp, là thế giới việc làm, là niềm đam mê với công việc. Các bạn sinh viên hiểu được rằng, là một kỹ sư giao thông không có nghĩa là có thể làm được tất thảy mọi việc về giao thông mà thực tế ta chỉ chuyên sâu một công việc, một hạng mục nhưng luôn cần đến các kiến thức cơ bản mà các em phải học tốt ở Trường. Là một kỹ sư mới ra trường, không nhất thiết phải đua chen để đến với các công trình lớn hay ở các thành phố lớn mà các bạn có thể đi đến mọi vùng của đất nước, đến các công trình lớn nhỏ hay trở về chính quê hương của mình để góp sức xây lên những công trình ý nghĩa, miễn là bạn có đủ sự đam mê và ham muốn mãnh liệt nhất. Là một kỹ sư giao thông ra trường, bạn có thể đến với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra thẩm định, thi công xây dựng, …không những trong ngành giao thông mà có thể làm việc ở các lĩnh vực khác tương tự, ở đâu cũng đang rất cần những kỹ sư có năng lực. Ngoài ra, các bạn cũng đã được nghe những dự án, công trình lớn sẽ triển khai trong thời gian với yêu cầu một nguồn nhân lực rất lớn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của Nhà nước, tuy nhiên ở đó sẽ không dành cho những kỹ sư yếu kém. Nhìn ánh mắt các bạn sinh viên, tôi cảm thấy như các bạn sinh viên đã hiểu ra tất cả, biết cản trở trước mắt mình chính là mình chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào ai hay điều gì cả, và mọi thứ lại bắt đầu bởi vì mọi sự bắt đầu không bao giờ là muộn cả, đúng không các bạn nhỉ?

            Chuyên đề thứ 2 anh Lâm mang đến cho các bạn sinh viên là việc ứng dụng các phần mềm tin học trong công việc thiết kế cầu. Trong một thế giới rộng mở, xung quanh bạn có rất nhiều phần mềm ứng dụng, và các bạn đang rất lúng túng khi lựa chọn học phần mềm nào để trang bị cho mình trước khi ra trường. Một bài so sánh kết quả phân tích giữa các phần mềm đã được anh Lâm trình bày và đã cho các bạn nhận định được rằng phần mềm Midas là một lựa chọn hợp lý và bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều cho việc lựa chọn này, hãy chuyên tâm đi nhé các bạn sinh viên (Các bạn cũng đã hiểu lý do vì sao ta nên chọn lựa phần mềm Midas và một ngày gần đây tôi sẽ tóm tắt lại cho các bạn tại đây)

            Và chuyên đề thứ 3, anh Lâm mang đến cho các bạn là những thành tựu công nghệ trong thiết kế xây dựng cầu, các thông tin đã mang đến cho các bạn sinh viên như một luồng gió mới, như một sự nâng tầm của hiểu biết và các bạn cũng đã hiểu ra rằng không có gì thực sự là cao siêu cả mà tất cả đều xuất phát từ các kiến thức cơ bản mà các bạn đã được học, chỉ thêm vào đó là niềm đam mê, thích sáng tạo là đã có một sản phẩm công nghệ mới. Các kỹ sư nước ngoài đã sáng tạo ra rất nhiều tiện ích công nghệ trong thiết kế cầu, từ thay đổi hình dạng, kích thước một phiến dầm phù hợp với sơ đồ cáp dự ứng lực đến thay đổi cả mô hình kết cấu của một công trình cầu lớn cũng chỉ xuất phát từ những kiến thức cơ bản. Vậy tại sao không phải là các bạn, hãy tự tin lên nhé, rồi một ngày nào đó các bạn hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, tiện ích, như những gì đang diễn ra ngày hôm nay.

            Một số hình ảnh của buổi giao lưu ngày 24/11/2016: