Qua 4 năm xây dựng và thực hiện chương trình mới kể từ tháng 9 năm 2005, áp dụng đào tạo cho các khóa 48, 49 KSXD từ năm 2008. Đến nay, mặc dù còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhưng chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu. Có thể nói 4 năm qua là quá trình mà chúng tôi phải chuẩn bị nội dung đào tạo cho ngành XDDD&CN dựa trên những khảo sát khoa học để trả lời một câu hỏi lớn của giáo dục Đại học nước ta đặt ra hiện nay đó là: Dạy cái gì? và học cái gì?
Sau đây, tôi xin trình bày một số điểm mới về xây dựng chương trình, phát triển nội dung chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp.
1.Thế giới việc làm là cơ sở lựa chọn số một để xây dựng chương trình:
Trước đây một chương trình đào tạo đại học truyền thống được xây dựng dựa trên các nguồn lực: Đội ngũ CBGD, chương trình tinh hoa được xây dựng bởi hội đồng khoa học chuyên ngành, kinh nghiệm giáo dục của các trường bạn…Tuy nhiên Giáo dục Hà lan và nói chung giáo dục tiên tiến hiện nay lại cho rằng thế giới việc làm mới là điểm xuất phát của việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Bởi vì chính thế giới việc làm sẽ là nơi mà sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ hành nghề. Để xây dựng được chương trình đào tạo như vậy, thì việc đầu tiên là Nhà trường phải tìm hiểu nhu cầu của công giới - nơi đòi hỏi ở sinh viên tốt nghiệp phải có những kiến thức, kỹ năng và thái độ gì? Những năng lực, khả năng nào là cần thiết của người cán bộ kỹ thuật, để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tế công việc? Tất cả những thông tin quan trọng đó Nhà trường cần phải xây dựng hệ thống số liệu cụ thể và coi đó là các cứ liệu tham khảo chính khi xây dựng chương trình đào tạo. Cách làm hiệu quả nhất để có được thông tin đó bằng cách tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các nhà tuyển dụng, các cán bộ kỹ thuật từ thế giới việc làm theo định kỳ.
Bởi vậy, để xây dựng chương trình đào tạo mới, khoa Công nghệ đã tổ chức thiết kế các bảng hỏi và tổ chức khảo sát thế giới việc làm trong phạm vi khu vực 7 tỉnh Bắc Miền trung, từ Nam Định đế Huế. Các doanh nghiệp được lựa chọn là các tổ chức tư vấn xây dựng, các nhà thầu xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản. Đối tượng khảo sát là các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật, những người làm công tác chuyên môn tại các cơ quan và doanh nghiệp được khảo sát. Tất cả các ý kiến của công giới đã được thu thập và xử lý, phân tích một cách khoa học(có sự hướng dẫn của chuyên gia Hà lan) để làm cứ liệu cho việc xây dựng chương trình và nội dung đào tạo.
2.Xây dựng hồ sơ năng lực làm cơ sở thiết lập mục tiêu chương trình đào tạo
Có được yêu cầu của thế giới việc làm đối với đối tượng đào tạo, bước tiếp là xây dựng hồ sơ về những năng lực của kỹ sư xây dựng để xác định mục tiêu chương trình đào tạo.
Hồ sơ năng lực là một khái niệm khá mới mẻ trong công tác đào tạo ở nước ta. Hồ sơ năng lực được coi như là đơn đặt hàng từ phía các nhà tuyển dụng đối với các cơ sở đào tạo, trong đó chỉ rõ những năng lực hành nghề của người kỹ sư sau khi ra trường để đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm. Vì vậy, nó được xây dựng dựa trên các thông tin từ kết quả khảo sát thế giới việc làm. Ở một số tài liệu khác, hồ sơ năng lực còn có được gọi là “chuẩn đầu ra” của quá trình đào tạo.
Đối với chương trình đào tạo mới cho ngành xây dựng, chúng tôi đã xây dựng được 13 năng lực, trong đó có 4 năng lực chung (như khả năng giao tiếp, khả năng cộng tác và làm việc theo nhóm…) và 9 năng lực nghề nghiệp (như năng lực thiết kế, năng lực thi công, năng lực quản lý dự án…).
Để chương trình đào tạo được xây dựng một cách có khoa học và chặt chẽ cả về nội dung, cấu trúc và tổ chức thực hiện, phù hợp đối tượng: các năng lực còn được chia theo 3 cấp độ từ dễ đến khó. Mức độ thấp nhất đòi hỏi sinh viên đạt được những kiến thức và kỹ năng đơn giản và độc lập. Mức độ trung bình đòi hỏi sinh viên cần có những kiến thức và kỹ năng tổng hợp và chủ động trong các hoạt động chuyên môn của mình. Mức độ 3 là mức độ cao nhất của năng lực, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng sử dụng một cách tổng hợp những kiến thức, kỹ năng và thái độ để thực hiện các công việc phức tạp, đặt ra từ yêu cầu thực tế sản xuất, đồng thời, biết chủ động trong kế hoạch đặt ra cũng như khả năng phối hợp thực hiện các công việc được giao.
Hồ sơ năng lực là căn cứ quan trọng nhất để xây dựng mục tiêu đào tạo, thiết kế nội dung chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo cũng như căn cứ để đánh giá sinh viên. Lâu nay nói đến chương trình đào tạo chúng ta thường đề cập ngay đến mục tiêu đào tạo mà không quan tâm đến những vấn đề có tính quyết định đến mục tiêu như đã trình bày ở trên. Điều đó đã làm cho các chương trình đào tạo được xây dựng còn mang tính hàn lâm, ít nhiều xa rời thực tế và không sát đối tượng.
3.Xây dựng mục tiêu đào tạo
Hồ sơ năng lực sẽ là cơ sở để Hội đồng đào tạo xây dựng mục tiêu cho chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Mục tiêu đào tạo được xác định căn cứ trên tập hồ sơ năng lực. Đồng thời, mục tiêu đào tạo của mỗi một chuyên ngành cần thiết phải căn cứ trên khả năng thực hiện của đơn vị mình. Ví dụ, căn cứ vào đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất Nhà trường, vào sự phân tích mức độ theo thứ tự ưu tiên của các năng lực theo yêu cầu đòi hỏi của thé giới việc làm… để quyết định các mục tiêu cụ thể cho nội dung và chương trình đào tạo mới.
4.Xây dựng chương trình và nội dung đào tạo
Từ mục tiêu đào tạo và hồ sơ năng lực đã được lập, chúng tôi tiến hành xác định mục tiêu đào tạo cho từng học kỳ và từng năm học. Trên cơ sở đó, nội dung đào tạo ở mỗi khối kiến thức từ mức độ thấp đến cao sẽ được xây dựng dưới dạng các đồ án. Các đồ án được thiết kế sao cho thông qua nhiệm vụ của nó, sinh viên có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong hồ sơ năng lực.
Điểm mới trong xây dựng nội dung đào tạo đó là:
+ Sự sắp xếp các môn học ngoài những qui định chung của một chương trình đào tạo, chương trình khung còn thể hiện sao cho nhóm các môn học trong học kỳ, năm học, khoá học có thể đánh giá được các năng lực và kỹ năng cần thiết đào tạo sau mỗi học kỳ, mỗi năm học và cả khoá học. Tuy nhiên trong chương trình hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế ở 3 học kỳ đầu do khối kiến thức ở các môn học đại cương được xây dựng khá độc lập từ các khoa đào tạo và vì vậy chưa theo chuẩn của chương trình định hướng nghề nghiệp.
+ Các kiến thức tổng hợp đã được thiết kế trong các đồ án ở cuối kỳ học và gắn liền với những kiến thức thực tế. Qua việc thực hiện những nhiệm vụ của đồ án, sinh viên có cơ hội được vận dụng các kiến thức lý thuyết vào thực hành nghề nghiệp. Với những đồ án đòi hỏi sinh viên phải thu thập các số liệu ngoài hiện trường lao động sẽ rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất. Đây cũng chính là điểm nổi bật của phương thức đào tạo mang tính định hướng nghề nghiệp rõ rệt.
+ Học chế tín chỉ về nguyên tắc không can thiệp vào nội dung đào tạo và chỉ tác động vào công tác tổ chức dạy và học: Dạy như thế nào? Học như thế nào? Bởi vậy trong chương trình mới này, học chế tín chỉ đã được chúng tôi áp dụng để xác định khối lượng học tập của sinh viên và khối lượng lao động của giảng viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu về quản lý đào tạo một cách khoa học hơn và cảnh báo về sự sắp xếp lịch học của sinh viên có nguy cơ vượt quá mức cho phép hay không! Chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp được thiết kế cho 4,5 năm học, với khoảng 160 tín chỉ. Trong đó, số lượng tín chỉ các môn chung theo quy định của Nhà trường là 58 tín chỉ; số lượng tín chỉ của các môn học chuyên ngành là 76 tính chỉ, số còn lại 30 tín chỉ dành cho đồ án và thực hành nghề.
5.Tổ chức đào tạo
Để đạt được mục tiêu đào tạo định hướng nghề nghiệp đã đặt ra, thì việc tổ chức đào tạo có vai trò hết sức quan trọng. trong thời gian qua, Khoa Công nghệ đã được Nhà trường cử nhiều lượt cán bộ giảng dạy trẻ đi tham dự các khóa tập huấn cả trong nước và ngoài nước, về phương pháp đào tào tạo cũng như phương pháp đánh giá sinh viên. Hầu hết cán bộ giảng dạy trẻ của khoa Công Nghệ đều đã được trang bị các kỹ năng cơ bản để có thể thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực và hiệu quả. Đó cũng là một trong những điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi thực hiện thành công chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp này.
Thêm vào đó, chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp còn đòi hòi người giảng viên cần phải có những hiểu biến sâu rộng về lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng tôi cũng đã tạo điều kiện để các giảng viên trẻ vừa thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, vừa có điều kiện tiếp cận với các công việc thực tế, để họ cập nhật những thông tin và các hoạt động nghề nghiệp từ thế giới việc làm. Bằng cách đó, các giảng viên trẻ có thể thực hiện các bài giảng của mình mang tính thực tế hơn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đạt kết quả cao nhất.
6.Đánh giá sinh viên
Đánh giá sinh viên là khâu quan trọng để đánh giá kết quả của quá trình đào tạo. Đồng thời, đó cũng là khâu quan trọng để phân loại sinh viên theo mức độ đạt được các mục tiêu đào tạo đã đề ra trong chương trình. Đối với chương trình định hướng nghề nghiệp, việc đánh giá sinh viên không chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá khả năng tiếp thu các kiến thức lý thuyết của sinh viên. Thêm vào đó, khả năng vận dụng một cách tổng hợp các kiến thức lý thuyết vào thực hành nghề nghiệp, khả năng giao tiếp, nắm bắt các vấn đề thực tế đã được chú trọng trong đánh giá. Như vậy, trong chương trình mới này, sinh viên sẽ được đánh giá cả về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ nghề nghiệp của họ.
Để đạt được điều đó, BCN khoa Công Nghệ đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức xây dựng các quy trình thực hiện và đánh giá kết quả các đồ án của sinh viên, dưới sự cố vấn của các chuyên gia Hà Lan. Theo đó, các đồ án đều đã được thiết kế các quy trình và trình tự thực hiện. Điều đó sẽ giúp các giảng viên có thể kiểm soát được các hoạt động của sinh viên một các khoa học. Các tiêu chí đánh giá đồ án cũng đã được thiết kế một cách chi tiết nhằm đánh giá một cách tổng hợp và chính xác các năng lực mà sinh viên cần đạt được. Qua đó định hướng cho sinh viên đạt được các mục tiêu và yêu cầu đặt ra từ thế giới việc làm.
Tuy nhiên việc đánh giá sinh viên đối với các học phần của chương trình mới này đang còn bộc lộ những hạn chế, nhất là các học phần học chung giữa các khoa nhưng có vai trò định hướng để sinh viên tiếp thu kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành… Do cách đánh giá của giảng viên hiện nay đang áp dụng một bài kiểm tra, một đáp án chung cho mọi sinh viên của mọi ngành học. Điều đó là không hợp lý với đánh giá chương trình theo định hướng nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của BGH nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá các học phần ngoài khoa sao cho đảm bảo tính định hướng nghề nghiệp của tất cả các học phần trong chương trình mới.
7.Kết luận
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, BGH nhà trường, và sự hỗ trợ tích cực từ các khoa đào tạo, các phòng ban liên quan. Khoa Công Nghệ đã và đang thực hiện thành công chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của thế giới việc làm. Qua các phản hồi từ sinh viên, giảng viên và cả phía công giới đã cho thấy, quá trình đào tạo kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp đã sát với thực tế sản xuất hơn, khoảng cách giữa đào tạo và nghề nghiệp đang dần dần được xích gần lại với nhau. Đó là một trong những thành công của chương trình đào tạo mới.
Với các nước công nghiệp phát triển sự thành công của chương trình này hơn 20 năm qua đã được khẳng định. điều đó đặt ra cho khoa công nghệ trách nhiệm cần phải tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp và có trách nhiệm đề xuất nhà trường phổ biến, áp dụng cho các ngành đào tạo khác.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều những khó khăn tồn tại mang tính chủ quan và khách quan, có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo định hướng nghề nghiệp. Đó là kinh nghiệm của đội ngũ CBGD trẻ còn hạn chế. Số lượng cũng như trình độ chuyên sâu của CBGD còn chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Số giờ giảng dạy của CBGD trẻ chiếm khối lượng lớn ảnh hưởng đến việc chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy chương trình mới. Mối quan hệ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp vẫn chưa được thiết lập vững chắc v.v…
Chúng tôi tin tưởng rằng, Dưới sự lãnh đạo giúp đỡ của lãnh đạo Nhà trường - Một trường Đại học với bề dày đào tạo qua nửa thế kỷ anh hùng sẽ sớm giúp khoa Công nghệ giải quyết được những khó khăn tồn tại trước mắt, để từng bước thực hiện thành công chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, một chương trình mới đã được xây dựng, đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của nước ta trong thời kỳ đổi mới.
TS. Vũ Ngọc Sáu