Trở thành người chỉ huy xây cất nhiều công trình xây dựng là ước mơ của hàng vạn học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đến mùa tuyển sinh, Xây dựng luôn nằm trong tốp những ngành học hàng đầu cho học sinh thi khối A, A1

          Xây dựng luôn là nhu cầu không bao giờ tắt của một xã hội, đặc biệt là ở một đất nước đang trên đà phát triển với nhiều công trình, dự án tiền tỷ từ xây dựng cơ sở hạ tầng. Có thể nói, ngành Xây dựng đang là một trong những ngành chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Cơ cấu lao động trong ngành Xây dựng chiếm tỷ lệ lớn, năm 1994 là 13,6%, năm 2000 là 16,9%, dự kiến năm 2010 đạt 28,6% tổng lao động xã hội, với giá trị tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn khoảng 18 – 20% toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

 

Xây dựng là ngành kỹ thuật, chương trình học khá khô khan, nhiều tính toán. Công việc đòi hỏi người kỹ sư phải đi công tác xa nhà thường xuyên. Với những đặc điểm đó, không quá khó hiểu khi xây dựng là ngành kén nữ giới. Là một ngành kỹ thuật, cẩn thận là đức tính không thể thiếu, thứ nhì là siêng năng, và cuối cùng là một sức học, khả năng tính toán, hình học khá để hoàn thành chương trình đào tạo. Công việc của người kỹ sư Xây dựng nhìn chung là vất vả từ khâu tính toán, đo đạc, thiết kế đến thi công. Tuy nhiên, cơ hội việc làm, một mức thu nhập ổn định, khá dư dả cùng cơ hội được làm việc ở nhiều nơi là những lí do mà ngành luôn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh đăng kí dự thi.

Nói đến ngành xây dựng và đặc biệt là kỹ sư Xây dựng , mặc dù nghe rất quen, rất thân thuộc nhưng nhiều học sinh khó mà hiểu rõ những ngành học, kiến thức sẽ được đào tạo trong trường Đại học và công việc cụ thể của người kỹ sư sau này. Chương trình đào tạo kỹ sư Xây dựng hiện đang được giảng dạy ở nhiều trường Đại học trong cả nước. Hầu hết nội dung đào tạo khá gần nhau theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Ở trường  Đại học Vinh đào tạo nhân lực cho ngành Xây dựng ở các hệ: Thạc sĩ, Đại học, Liên thông THPT, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, bao gồm các chuyên ngành chính như sau:

Xây dựng Cầu đường.

Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

- Kỹ thuật công trình thủy.

Nhìn vào các ngành mà trường Đại học Vinh đào tạo về lĩnh vực Xây dựng, ta có thể hiểu rằng, kỹ sư Xây dưng  rất đa dạng và có những công việc khác nhau, hỗ trợ và phối hợp với nhau. Tất cả các ngành đào tạo trên đều được đào tạo giống nhau ở các môn đại cương và cơ sở ngành như sức bền vật liệu, cơ học, cơ kết cấu, vẽ kỹ thuật, tin học,… Tuy nhiên, phần kiến thức chuyên sâu sẽ khác nhau tùy theo mục đích của từng ngành để phục vụ cho công việc sau này. Với những kiến thức học được, các kỹ sư Xây dựng từ các ngành trên đều có khả năng thiết kế, đo đạc, giám sát thi công, quản lý, quy hoạch.... Vì vậy, công việc của người kỹ sư Xây dựng không chỉ đơn thuần là ngồi bàn giấy thiết kế chán ngắt, hay phải phơi nắng để giám sát, chỉ đạo việc thi công mà nhiều lúc phải kết hợp cả hai việc thiết kế, giám sát và nhiều việc khác, phối hợp với nhiều kỹ sư khác chuyên ngành.

Chương trình đào tạo kỹ sư Xây dựng của trường Đại học Vinh kéo dài 5 năm, bao gồm 10 học kỳ. Tương tự với thực tế đào tạo chung của sinh viên toàn trường, sinh viên ngành Xây dựng được tiếp cận và nâng cao trình độ Anh văn, tin học, kỹ năng phần mềm… trong suốt 5 năm học. Ở mái trường Đại Học Vinh, chúng tôi được đào tạo trong một môi trường hiện đại về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo nhiệt tình, chuyên môn và nghiệp vụ cao, học lý thuyết song song thực hành với những chuyến đi thực tập, thực tế. Bằng cấp sau khi ra trường đều được ghi rõ là bằng chính quy kỹ sư xây dựng, chuyên ngành tương ứng.

Khi sinh viên ra trường có thể công tác tại: Bộ, các UBND, Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở quy hoạch, Các viện thiết kế, công ty tư vấn thiết kế, Giám sát thi công,  Công ty xây dựng cầu đường, Công ty xây dựng, Khu  chế xuất và khu công nghiệp, Sở khoa học công nghệ và môi trường, Cục đầu tư, liên doanh, Các chương trình, dự án xây dựng, đầu tư phát triển trong và ngoài nước, Viện nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp, dạy nghề  có chuyên ngành này.…

 Trong những thời kỳ phát triển của xã hội, từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ cho tới thời kỳ phát triển cao nhất của xã hội là Chủ nghĩa xã hội, thì lĩnh vực Xây dựng luôn luôn chiếm lĩnh vị thế quan trọng, là nòng cốt của sự phát triển. Do đó có thể nói, xây dựng là một nghề ... không bao giờ thất nghiệp.