KHOA XÂY DỰNG VỚI DANH NGHIỆP

Liên kết đào tạo giữa Trường đại học và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động. Vì lợi ích của chính mình, hoạt động đào tạo của nhà trường đại học luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu doanh nghiệp. Như vậy, các Trường đại học luôn có nhu cầu phải được gắn kết với doanh nghiệp. Mặt khác, nếu Cơ sở đào tạo đảm bảo cung cấp những lao động đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, thì đối với doanh nghiệp đó là điều lý tưởng nhất.

Các doanh nghiệp là tế bào quan trọng của nền kinh tế. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp quyết định sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Hoạt động trong môi trường hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Có thể nói, trình độ học vấn của cả người lao động và chủ doanh nghiệp hiện nay còn rất thấp. Trong số hơn 25% lao động có chuyên môn chỉ có khoảng 6% lao động có trình độ Cao đẳng và Đại học. Chủ doanh nghiệp có trình độ đại học cũng chỉ khoảng 2%. Về cơ bản, đội ngũ này mới được hình thành những năm 90, còn thiếu kinh nghiệm về nhiều mặt, từ kỹ năng quản lý đến hiểu biết về công nghệ và thị trường. Đây là một rào cản mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp và cần phải quyết tâm vượt qua vì sự tồn tại của bộ phận doanh nghiệp này trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Các trường đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp. Nhưng điều cần phải nhấn mạnh ở đây là mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp không mang tính hỗ trợ từ phía này đối với phía kia, mà là một sự cần thiết khách quan vì sự tồn tại và phát triển bền vững chung, bởi tiến trình này đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà trường.


 Kỹ sư Xây dựng là nghề được xã hội tôn kính, vẽ nên bộ mặt đô thị, gắn liền với sinh mạng con người. 

KỸ SƯ XÂY DỰNG – LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Công việc của nghề xây dựng có thể chia thành ba nhóm: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng.

Công việc ngoài công trường bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công (triển khai thi công công trình theo đúng hồ sơ thiết kế, tính toán khối lượng phải làm, hướng dẫn công nhân thực hiện, lập bản vẽ hoàn công khi làm xong), kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trường…

Công việc trong công xưởng có kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm...

Công việc trong văn phòng thì đa dạng hơn, gồm chuyên viên thiết kế và quản lý kế hoạch, quản lý dự án, quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng; chuyên viên tư vấn xây dựng; chuyên viên trắc đạc, khảo sát địa chất, thẩm định chất lượng công trình; chuyên viên lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu; chuyên viên kiểm toán xây dựng… Các vị trí đang khát nhân lực hiện nay thuộc mảng công việc này, bao gồm: chuyên viên quản lý dự án, giám sát viên, dự toán viên.


Xây dựng là yếu tố căn bản phản ánh trình độ khoa học và kinh tế của một quốc gia. – Ảnh: internet

ĐÂU CHỈ CẦN KHỐI ÓC

Ngoài việc nắm vững kiến thức khoa học tự nhiên, nhất là toán học và vật lý cơ học, Kỹ sư Xây dựng còn phải hiểu biết lịch sử, địa lý; có vốn văn hóa sâu rộng, khả năng sáng tạo và tổ chức, kỹ năng giao tiếp; và đặc biệt là tình yêu dành cho đất nước, thiên nhiên và con người (với những công trình mang tính cộng đồng, văn hóa, tâm linh).

Ngành xây dựng vừa tạo nên những cơ sở vật chất cụ thể, vừa phải tạo nên các công trình có giá trị kỹ thuật và văn hóa. Nó đòi hỏi sự sáng tạo và kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật, công nghệ với văn hóa, nghệ thuật để tư duy vượt qua không gian giới hạn của tường gỗ và bê tông, thổi hồn vào các công trình cụ thể.

Mặt khác, xây dựng là ngành không chấp nhận có phế phẩm vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng nhiều người. Do vậy, một Kỹ sư Xây dựng giỏi trước hết phải là người có tinh thần trách nhiệm cao độ và đạo đức nghề nghiệp. Chỉ một phút giây lơ đễnh, thiếu thận trọng ở bất kỳ khâu nào trong quá trình xây dựng đều có thể tước đi sinh mạng của nhiều người khác.

Nhóm ngành này còn thích hợp với những người chấp nhận đi làm xa, thích nghi với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn tiện nghi; người có ý thức chống lãng phí cao; người có thói quen ngăn nắp, làm việc có phương pháp, có hệ thống, quy trình chặt chẽ.

Người có tính lãng mạn và sáng tạo thì nên làm tư vấn thiết kế; người ngăn nắp và chặt chẽ nên làm tư vấn đấu thầu; người có khát vọng làm giàu và quyết đoán nên làm nhà thầu. Dẫu ở bất cứ vị trí nào của nhóm ngành này thì cường độ công việc của một Kỹ sư Xây dựng chưa bao giờ là thấp, song bù lại, họ sẽ có được mức lương hấp dẫn và khoản hậu đãi tương xứng.

Một Kỹ sư Xây dựng giỏi đòi hỏi không ngừng sáng tạo và kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật, công nghệ với văn hóa, nghệ thuật để tư duy vượt qua không gian giới hạn của tường gỗ và bê tông, thổi hồn vào các công trình cụ thể. Trong ảnh là Nhà ga Cao Hùng (Đài Loan), một công trình lộng lẫy và lôi cuốn được làm từ những khối kính màu. – Ảnh: internet

Ga tàu điện ở Stockholm, Thụy Điển với đường hầm Tunnelbana đẹp tựa nhà triển lãm nghệ thuật.

CHƯA BAO GIỜ NGỪNG “HOT”

Những năm gần đây, bất chấp nền kinh tế thế giới lâm vào cảnh lao đao và thị trường bất động sản trong nước đóng băng, Kỹ sư Xây dựng vẫn là nghề được xã hội ưu ái vì tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế.

Với chuyên môn về xây dựng, bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng, giao thông, thủy lợi, các viện nghiên cứu chuyên ngành, các ban quản lý dự án, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp v.v…

Trong kỷ nguyên thông tin, để trở thành một Kỹ sư Xây dựng giỏi, SV ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng còn phải được trang bị đầy đủ về ngoại ngữ và kỹ năng mềm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, giáo trình đào tạo tiên tiến, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế là những yếu tố đủ để góp phần tạo nên hình mẫu Kỹ sư Xây dựng của tương lai.

KHOA XÂY DỰNG – ĐẠI HỌC VINH, NƠI ƯƠM MẦM CỦA KỸ SƯ TRẺ?

Xuất phát từ những lý do trên, Khoa Xây dựng Đại học Vinh được thành lập ra năm 2002 với mục đích đào tạo ra các thế hệ Kỹ sư Xây dựng phục vụ cho các nhu cầu xây dựng các công trình trên toàn cả nước. Với quyết tâm cao đào tạo ra các thế hệ kỹ sư chất lượng cao, Trường Đại học Vinh đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho công tác dạy và học của thầy và trò, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong những trường có cơ sở vật chất tốt nhất cả nước.

Đội ngũ giảng dạy của Khoa hiện với hơn 50 Giảng viên trong đó 100% có trình độ Thạc sỹ, 30% giảng viên có trình độ Tiến sĩ với tinh thần nhiệt huyết cao, yêu nghề, luôn hết lòng vì sinh viên. Ngoài ra, sinh viên Khoa Xây dựng được học tập trong môi trường với đầy đủ phòng học, giảng đường lớn, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập được trang bị đồng bộ và hiện đại. Khoa hiện có 6 phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và các công việc do các Kỹ sư đảm nhận, Khoa Xây dựng liên tục cập nhật các chương trình tiên tiến bám sát thực tiễn, cũng như sự phát triển của công nghệ xây dựng. Quá trình học chú trọng tới việc thực hành, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường được tiếp xúc với các công việc thưc tế thông qua các bài học thực hành, các đợt thực tập công nhân, thực tập Kỹ sư và các buổi tham quan công trình.

Với sự tận tình của các thầy, cô giáo và truyền thống học tập của sinh viên Đại học Vinh nói chung và sinh viên Khoa Xây dựng nói riêng, từng lớp thế hệ Kỹ sư trẻ lần lượt tốt nghiệp, ra trường và đi xây dựng các công trình trên mọi miền đất nước. Có nhiều sinh viên của Khoa hiện tại đang đảm đương nhiều vị trí quan trọng chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị hoạt động về lĩnh vực Xây dựng trên nhiều tỉnh của nước nhà. Đó cũng là niềm động lực cho thầy và trò Khoa Xây dựng nối tiếp truyền thống, tiếp tục phát huy để đào tạo ngày càng thêm nhiều thế hệ Kỹ sư trẻ năng động, nhiệt huyết, bản lĩnh và trí tuệ.

Như vậy để nói rằng, các bạn sinh viên hoàn toàn yên tâm khi đặt niềm tin khi lựa chọn Khoa Xây dựng – Đại học Vinh là nơi để học tập, rèn luyện cho nghề nghiệp bản thân trong tương lai.