Đợt  này có khoảng 11.998 trường đại học, cao đẳng trên thế giới (khoảng 7.500 trường ở châu Á; khoảng 1.200 trường ở Đông Nam Á và 129 trường của Việt Nam) được xếp hạng. 

CSIC là cơ quan nghiên cứu về khoa học, công nghệ, giáo dục trực thuộc Bộ giáo dục Tây Ban Nha. CSIC có 126 Trung tâm và Viện nghiên cứu phân bố khắp Tây Ban Nha. Bảng xếp hạng của CSIC dựa trên các thông tin có được từ website do các trường đại học, cao đẳng công bố về số lượng sinh viên, giảng viên, cơ sở vật chất học tập, chương trình đào tạo, số lượng các công bố quốc tế được đăng tải hoặc trích dẫn, tầm ảnh hưởng của các công bố khoa học được đăng tải hoặc trích dẫn, và hoạt động hợp tác quốc tế.

Nhằm đạt được một đánh giá khách quan và khoa học, ban điều hành của Webometrics đã áp dụng phương pháp phân tích định lượng, “sự mở rộng áp dụng phương pháp “đo lường trang web”, hay chính xác hơn là đo lường chỉ số tác động của trang web (WIF, từ viết tắt của cụm từ Web Impact Factor)”. Các chỉ số được sử dụng là:

1) PRESENCE: Tổng số trang web được lưu trữ trên hệ thống website của Trường được nhận biết bởi Google, ngoại trừ các file .PDF. Chỉ số này có trọng số 10%.

2) VISIBILITY (IMPACT): Thay vì dữ liệu thu thập từ 2 nhà cung cấp Majestic SEO và ahrefs như trước đây, đợt này Webometrics tính bằng giá trị trung bình dựa trên các backlink (liên kết trở lại). Tuy nhiên, cũng như các đợt trước, top 10 tên miền có backlink nhiều nhất đến hệ thống webiste của Trường sẽ không được tính. Chỉ số này có trọng số 50%. 

3) OPENNESS: Google Scholar không còn được sử dụng cho chỉ số này nữa mà Webometrics dựa vào số file .PDF có trên hệ thống website Trường được tìm thấy từ công cụ tìm kiếm Google. Chỉ số này có trọng số 10%.

4) EXCELLENCE: Top 10% bài báo đăng trên các tạp chí được trích dẫn nhiều nhất có các nhà khoa học của Trường. Dữ liệu này được Webometrics lấy từ nhà cung cấp dữ liệu Scimago, giai đoạn 2009-2013. Chỉ số này có trọng số 30%.

Webometrics ra đời năm 2004 và ngay lập tức gây được sự chú ý của giới chuyên môn; mặc dù tại thời gian đó, cũng có khá nhiều bảng xếp hạng đại học toàn cầu uy tín khác ra đời như Xếp hạng đại học của Đại học Giao Thông Thượng Hải, Trung Quốc (ra đời năm 2003); Xếp hạng đại học của Đại học Leiden, Hà Lan (ra đời năm 2007 - ở Việt Nam, bảng xếp hạng này không được phổ biến lắm) và Xếp hạng Đại học của Tạp chí Times và Tổ chức QS (ra đời năm 2004 - đến 2010, Times và QS tách riêng để tự làm bảng xếp hạng cho riêng mình).

Sở dĩ thu hút được sự chú ý là bởi khác với các bảng xếp hạng còn lại chỉ đưa ra được thứ hạng từ 400-500 đại học hàng đầu thế giới, Webometrics khi mới ra đời, ngay lập tức đã công bố xếp hạng lên tới hơn 10,000 trường, trong đó bao gồm rất nhiều trường đến từ khu vực vốn không bao giờ nghĩ có thể lọt được vào một bảng xếp hạng đại học toàn cầu nào. Sở dĩ làm được điều này là bởi, khác với các bảng xếp hạng còn lại có sử dụng kết hợp phương pháp thu thập dữ liệu bằng minh chứng từ các trường, hoặc survey, Webometrics tiến hành khâu thu thập dữ liệu hoàn toàn trên mạng và nhờ vậy, khắc phục được điểm yếu cố hữu của các bảng xếp hạng nói chung: phạm vi hẹp. So sánh bảng xếp hạng webometrics với các bảng xếp hạng khác thậm chí còn trở thành đề tài thảo luận cho giới nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục đại học. Mặc dù có tiêu chí đánh giá khác nhau và cách thức thu thập dữ liệu khác nhau, vẫn có những sự tương đồng nhất định giữa Webometrics với các bảng xếp hạng còn lại nói chung; mặc dù nếu so sánh theo từng cặp thì cặp Webometrics và xếp hạng của Times - QS là có sự khác biệt lớn nhất.

Theo kết quả vừa công bố thì 3 đại học đang có vị thế hàng đầu Việt Nam gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 3 đại học của Mỹ đang dẫn đầu thế giới lần lượt là Đại học Harvard, Đại học Stanford, Học viện kỹ thuật Massachusetts. Top 3 trường Đại học Châu Á lần lượt gồm: Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Tokyo (Nhật Bản). Trong Đông Nam Á, dẫn đầu là Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Malaya (Malaysia).

Trong bảng xếp hạng này, Trường Đại học Vinh được xếp hạng thứ 16 của Việt Nam, thứ 148 của Đông Nam Á.

Sau đây là đường link để xem toàn văn bảng xếp hạng:

http://www.webometrics.info/en/Asia/Vietnam

Quang Tuấn