Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm đã rút ra được từ quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của mình, chủ yếu là những lỗi mà người mới bắt đầu làm quen với công tác nghiên cứu hay mắc phải.
1. Lựa chon đề tài
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, chúng ta phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau:
- Vấn đề nghiên cứu là gì?
Chúng ta không nên tiến hành đề tài nghiên cứu khi chưa xác định rõ chủ đề mà chúng ta có thể sẽ phải đeo đuổi trong một thời gian nhất định. Vấn đề không rõ ràng thì sẽ dẫn đến kết quả cũng chẳng sáng sủa hơn. Xác định được vấn đề cần nghiên cứu sẽ giúp chúng tìm ra được tên đề tài thích hợp.
- Mục tiêu đề tài nghiên cứu đạt được là gì?
Yếu tố quan trọng tiếp theo chính là mục tiêu của đề tài, mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp chúng ta xác định được thời gian cần phân bổ và những gì cần chuẩn bị (đối tượng cần tiếp cận; thông tin cần thu thập và phương pháp xử lí thông tin; cách tiếp cận thực tế; giải pháp cho những mục tiêu đó...). Mục tiêu của đề tài không nên nhiều quá ba và tốt nhất không nêu ra mục tiêu nào mà chúng ta không chắc.
Những lợi ích mà đề tài nghiên cứu sẽ mang lại là gì?
Bên cạnh mục tiêu vốn sẽ chỉ ra được đường hướng của đề tài nghiên cứu sẽ hướng đến, đề tài cũng cần chỉ rõ những lợi ích, tác động có thể có được từ đề tài. Vấn đề nào đề tài nêu ra sẽ góp phần giúp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn? Những các đối tượng nào sẽ được hưởng lợi nếu đề tài được ứng dụng?
2. Đặt tên đề tài
Tên đề tài khoa học cũng một phần nói lên sự hiểu biết và đánh giá về chủ nhân của nó. Đây là giai đoạn mở đầu rất khó khăn. Bởi ai cũng muốn có đề tài hay. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, nội dung nghiên cứu của một đề tài khoa học được phản ánh một cách cô đọng nhất trong tiêu đề của nó. Tên của đề tài cần có tính đơn nghĩa, khúc chiết, rõ ràng, không dẫn đến những sự hiểu lầm, hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hay hiểu mập mờ. Có một số điểm cần lưu ý hạn chế khi đặt tên cho đề tài như sau: dùng những cụm từ có độ bất định thông tin cao: như “Về…”, “Thử bàn về…”, “Một số biện pháp…”, “Một số vấn đề…”, “Tìm hiểu về…”, v.v. vì càng bất định thì nội dung phản ánh được càng không rõ ràng, chính xác; lạm dụng những từ chỉ mục đích: những từ như “nhằm”, “để”, “góp phần”,… nếu bị lạm dụng dễ làm cho tên đề tài trở nên rối rắm, không nêu bật được nội dung trọng tâm; lạm dụng mĩ từ hoặc cách nói bóng bẩy: tiêu chí quan trọng trong văn phong khoa học là đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa; thể hiện tình cảm, thiên kiến, quan điểm: một tiêu chí quan trọng khác trong khoa học, đó là tính khách quan, không phụ thuộc vào tình cảm, chính kiến, quan điểm,… vì chúng thường có tính nhất thời, tính lịch sử trong một thời điểm nhất định.
3. Phương pháp nghiên cứu
Như chúng ta đã biết, mỗi ngành khoa học khác nhau có phương pháp nghiên cứu khác nhau. Đối với ngành khoa học xã hội thường sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả, nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu lí thuyết hay nghiên cứu hành động. Mỗi phương pháp nghiên cứu có những cách thức tiến hành khác nhau. Do vậy, ngay sau khi xác định được vấn đề nghiên cứu, người thực hiện đề tài phải lựa chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp và tuân thủ theo các bước nghiên cứu của phương pháp.
4. Hình thức
Ngay sau khi xác định được tên đề tài, để hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh, bên cạnh nội dung thì hình thức trình bày cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình nghiệm thu đề tài. Hình thức rõ ràng, sạch sẽ, đúng quy chế, không sai lỗi chính tả là yếu tố hấp dẫn người đọc. Chúng ta cần nắm chắc các quy định về hình thức theo các quy định của Học viện như số lượng trang giới hạn, phần phụ lục tham khảo không quá một phần ba nội dung đề tài, quy cách đánh số trang font chữ và kích cỡ chữ, phần danh mục tài liệu tham khảo phải sắp xếp theo đúng quy định, nên làm danh mục tài liệu tham khảo trong quá trình thu thập tài liệu, và sắp xếp tài liệu bằng tiếng nước ngoài riêng và bằng tiếng mẹ đẻ riêng... Ngay từ khi tiến hành viết, chúng ta nên sử dụng chế độ tự động up date phần mục lục có trong Word, điều này giúp chúng ta không mất thời gian và không bỏ sót tiêu mục nào khi làm mục lục. Ngoài ra, công trình nghiên cứu phải được tuân thủ theo quy tắc soạn thảo.
Cuối cùng, theo kinh nghiệm của tôi, bên cạnh các yếu tố nêu trên chúng ta cũng cần phải có trách nhiệm với công trình nghiên cứu khoa học của mình. Đừng nản chí khi gặp khó khăn, trở ngại. Vì nghiên cứu khoa học là một cuộc thi không đơn giản. Nó đòi hỏi sự đầu tư công phu. Có thể chúng ta sẽ phải đến nhiều nơi để tham khảo ý kiến chuyên gia hay xin số liệu, tài liệu để hỗ trợ cho đề tài nghiên cứu và có thể chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hợp tác với các chuyên gia cũng như khảo sát số liệu. Nhưng đừng vội nản chí. Hãy có trách nhiệm với đề tài của mình khi bạn đã quyết định đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu, hãy cố gắng thực hiện cho đến cùng. Đó cũng là một kinh nghiệm, một bí quyết để có đề tài nghiên cứu khoa học thành công.
Trên đây là một vài kinh nghiệm chúng tôi xin chia sẻ cùng tất cả những ai có dự dịnh tham gia vào một đề tài nghiên cứu khoa học cũng như những ai đã và đang trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Mọi kinh nghiệm đều mang tính tham khảo và bất kể đề tài thuộc lĩnh vực gì đi nữa cũng nên chọn cho mình một hướng đi riêng, một điểm mới khác biệt. Việc không đi theo một lối mòn buộc chúng ta sẽ phải nỗ lực và dành hết tâm huyết của chính mình và nhờ đó chúng ta sẽ có được con đường mang nhiều dấu ấn của chính chúng ta./.
TS Trần Thị Minh Thục