1- Trách nhiệm nặng nề của kỹ sư tư vấn

           

           Ngành xây dựng có nhiệm vụ đi trước mở đường để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng tiến tiến, đồng bộ.

            Cũng như nhiều nước khác, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phát triển bền vững như tăng dân số và đô thị hóa nhanh, việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng, nước sạch và không khí trong lành, vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và chống tham nhũng.  Ngành xây dựng phải cùng đất nước vượt qua được các thách thức đó.

            Nhằm dự báo định hướng tương lai của ngành xây dựng, tháng 6 năm 2006. Hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã họp hội nghị chuyên đề với sự tham dự của một số chuyên gia quốc tế mà họ gọi là “ Summit on the Future of Civil  Engineering - 2025). Sau đó, một số Hội (Nhật, Đài Loan…) cũng tổ chức thảo luận về chủ đề này. Tất cả đi đến kết luận rằng người kỹ sư xây dựng, chủ yếu là người kỹ sư tư vấn phải là những người cách tân (innovators) và tích hợp  (integrators) để đưa ngành xây dựng trở thành đa diện (multi -faceted), đa chuyên môn (multi- disciplined) và hoàn chỉnh (holistic). Như  vậy người kỹ sư tư vấn phải gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với sự nghiệp  phát triển bền vững của mỗi quốc gia và toàn cầu.

            Để làm tròn trách nhiệm nghề nghiệp của mình, người kỹ sư tư vấn không chỉ phải nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà còn cần chăm lo trau dồi đạo đức nghề nghiệp, đạt được các tiêu chuẩn ứng xử đối với công chúng, với  khách hàng, với người sử dụng mình và với nghề nghiệp, trong đó bao gồm tính khách quan, trung thực  như đã được ghi thành một điều trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ từ năm 1914. Thời đó, một loạt sự cố công trình lớn như Cầu đường sắt qua sông Ashtabula (1876), Cầu Tay (1879) và Cầu Quebec (1907) đã tác động mạnh đến giới kỹ sư xây dựng khiến họ phải ra sức khắc phục các lỗ hổng kỹ thuật và phân tích các sơ hở về đạo đức nghề nghiệp.

            Ngày nay người kỹ sư tư vấn xây dựng phải có nhiều tố chất cá nhân (personal attributes), mà theo đánh giá của Hội nghị Thượng đỉnh - 2025 là:

          1-  Người kỹ sư phải có kiến thức(knowledgeable), kể cả kiến thức về ứng xử có đạo đức (ethical behavior);

2-       Người kỹ sư phải có kỹ năng (skillful), trong đó có kỹ năng học tập, giao tiếp và quản lý;

3-       Người kỹ sư phải có tư thái (attitudes) hành nghề thích hợp, bao gồm cả tính khách quan trung thực, nói ra sự thật.

Để đảm bảo được tính trung thực, khách quan trong hành nghề thì người kỹ sư  tư vấn phải có thể  hành nghề một cách độc lập,  không phải chịu các loại sức ép để nói trái với điều mình tin tưởng.

2-Làm thế nào để hành nghề một cách độc lập?

 

Độc lập hành nghề hiển nhiên không có nghĩa là hành nghề một mình, chỉ biết có mình mà không lắng nghe và phối hợp với người khác.

Nghề tư vấn ngày nay đòi hỏi người hành nghề phải  liên tục học hỏi để có thể xử lý được các vấn đề mới mẻ, vì vậy người ta nói nghề tư vấn là nghề học tập (learning profession) và là nghề giải quyết vấn đề (problem - solving profession)…Kíp tư vấn năm 2025 sẽ bao gồm rất nhiều thành viên, trong đó có nhiều thành viên không thuộc ngành xây dựng nhưng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến khoa học quản lý, khoa học môi trường,  khoa học xã hội và các chuyên ngành pháp luật, quy hoạch, địa lý v.v… Như vậy kỹ sư tư vấn phải biết làm việc theo nhóm, phải tôn trọng và khoan dung đối với các quyền, giá trị, quan điểm, tài sản v.v… của người khác, nhưng rốt cuộc là phải đưa ra được những đề nghị mà mình cho là tốt nhất đối với xã hội và khách hàng. Chính vì vậy mà ở nhiều nước người ta đưa ra khái nhiệm “kỹ sư chuyên nghiệp” (professional engineer)  để phân biệt với  “kỹ sư viên chức” (engineer - employee).

Người kỹ sư tư vấn chân chính hiển nhiên muốn được đề xuất ý kiến của mình một cách độc lập, thế nhưng có độc lập được không? Làm thế nào để có thể hành nghề một cách độc lập? Đó là điều băn khoăn của kỹ sư tư vấn nước ta và là chủ đề của hội thảo này.

Điều kiện đầu tiên và chủ yếu nhất là người sử dụng dịch vụ tư vấn phải nhận thức được rằng người kỹ sư tư vấn đưa ra các ý kiến tư vấn là vì lợi ích tốt nhất cho mình, các ý kiến đó có thể phù hợp và giúp thực hiện ý đồ của mình nhưng cũng có thể khác đi hoặc ngược lại, giúp  mình khỏi đưa ra các quyết định sai lầm. Cũng vì lý do này mà trước khi lập dự án, chủ đầu tư phải sử dụng tư vấn lập  báo cáo tiền khả thi  để đánh giá ý đồ đầu tư trên mọi mặt, nếu không ổn thì kịp thời dừng lại, đỡ tốn kém và thiệt hại (không phải báo cáo tiền khả thi nào cũng dẫn đến báo cáo khả thi). Thế nhưng đối với nhiều  chủ đầu từ công, báo cáo tiền khả thi chỉ là phương tiện để thuyết minh cho ý đồ đã định sẵn của họ, vì vậy kỹ sư tư vấn chịu áp lực nhiều nhất khi lập các báo cáo này, dẫn đến các thất thoát lãng phí vốn nhà nước. Nếu cơ quan quản lý nhà nước xử lý các chủ đầu tư ra quyết định đầu tư sai lầm và lên được danh sách đen các tư vấn lập ra báo cáo tiền khả thi tệ hại thì một mặt răn đe được các tư vấn chỉ giỏi phụ họa, mặt khác giúp tư vấn có thêm lý lẽ để giữ vững tính độc lập của mình đối với chủ đầu tư.

Điều kiện không kém phần quan trọng là mức phí tư vấn cũng phải được nâng cao để người kỹ sư tư vấn không vì quá lo chuyện áo cơm  mà đánh mất tính độc lập của mình.

Cuối cùng là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, ở đây là Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam và các tổ chức như Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Cầu đường, Hội Đập lớn Việt Nam, Hội Cấp thoát nước v.v… cũng cần có sự giám sát nhất định về mặt đạo đức nghề nghiệp đối với kỹ sư tư vấn. Tiện đây xin nói rằng các tổ chức tương tự ở các nước phát triển đã xuất bản nhiều sách, mở nhiều lớp về đạo đức nghề nghiệp cho các kỹ sư chuyên nghiệp, vì chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp  đều phải soát xét định kỳ thông qua các cuộc khảo sát nghiêm túc.,.