Ở cái tuổi 30 có lẻ
này, cảm xúc nào tôi cũng đã từng được nếm trải, vui buồn có, đau khổ có, hạnh
phúc có, lo lắng - hồi hộp cũng có… cứ ngỡ như trái tim mình đã phân ra được
hàng trăm cung bậc cảm xúc khác nhau của một đời người. Nhưng trong những ngày
này, trong không khí chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam khiến tôi không thể không
viết lên đôi dòng cảm xúc cho cái mà tôi gọi là “mùa yêu đầu”.
Tôi đến với nghề giáo
viên là một sự bất ngờ do dòng đời xô đẩy. Từ trước tới nay, không bao giờ tôi lại
nghĩ mình có thể làm cô giáo, vì người thì thấp bé – nếu đứng cạnh học sinh
chắc chỉ đến nửa người, lại hiền lành ít nói – dễ bị bắt nạt… Nhưng thực sự, đi
đâu và làm gì người ta đều nói; trông tôi không giống một kỹ sư – trông tôi
giống một giáo viên nhiều hơn. Những lúc đấy tôi chỉ biết mỉm cười và coi đó là
những lời khen tặng dành cho bản thân mình. Và thật không ngờ tôi lại có cơ
duyên của ngày hôm nay…
Niềm vui cùng sự bất
ngờ được vỡ òa khi lần đầu tiên tôi được nghe học trò gọi mình “Em chào cô!” -
Tự hào, hạnh phúc và xúc động là những dư âm còn mãi trong tôi về khoảnh khắc
ấy. Tôi chập chững bước vào nghề giáo với hành trang là cả một tấm lòng yêu
nghề, yêu người. Tôi chỉ mới là giảng viên tập sự, công việc đầu tiên tôi đón
nhận là đi coi thi hết học phần. Tôi yêu những khoảnh khắc quay ngang quay ngửa
lúc làm bài của sinh viên, tôi yêu cái nhìn lấm la lấm lét của sinh viên khi
chuẩn bị cóp bài, hoặc là những khoảng trống trên bài thi - tôi gọi đó là những
“khoảng trống kỳ diệu” - nó sẽ được lấp đầy trong những giây phút cuối buổi
thi. Mặc kệ, như thế mới là sinh viên chứ! Việc thứ 2 tôi đón nhận là đón tiếp
và hướng dẫn nhập học cho sinh viên khóa 56. Tôi yêu những ánh mắt ngây thơ, sự
hồn nhiên và trong trẻo của sinh viên mới. Tôi hiểu cái cảm giác của các bạn
khi được mang danh là sinh viên năm nhất – nó cũng giống hệt như cảm giác của
tôi lần đầu tiên được nghe học trò gọi mình là cô giáo. Chặng đường vẫn còn rất
dài ở phía trước với bao nhiêu khó khăn và thử thách đang chờ đợi các bạn, hy
vọng rằng các bạn sẽ dễ dàng thích nghi và cố gắng không ngừng trong môi trường
học tập mới.
Nhưng cuộc sống không
chỉ có tình yêu, trong tôi cũng nhiều lắm những lo sợ, lo kiến thức và kỹ năng
của mình không đủ để đáp ứng yêu cầu mong đợi, tin tưởng của các bạn sinh viên,
lo không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng tôi đã dần quen với những
tiết dự giờ, thăm lớp, thao giảng, tôi đã tự tin hơn, thoải mái giao tiếp hơn.
Và tình yêu nghề trong tôi được thăng hoa, vỡ òa khi tôi nhận được sự tin tưởng
của đồng nghiệp, tôi được giao phó nhiệm vụ mới “Ủy viên ban chấp hành - tổ
trưởng tổ nữ công”. Trong vai trò mới, tôi luôn nhận thức rằng, việc ở trường
hôm nay còn nhẹ nhàng hơn rất nhiều lần những việc mà 2 năm trước tôi đã từng
trải. 1 ngày tôi làm việc 12 tiếng dưới nắng gió của công trường - cuối tuần
lại lên xe ra Hà Nội học. Phải nói sao ngày xưa mình kiên cường và rắn rỏi đến
vậy? Nhưng có lẽ cũng chính vì tôi được tôi luyện như thế nên bây giờ với tôi,
mọi việc trải qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều...
Với tôi, tôi quan niệm:
dạy học cũng là một nghệ thuật. Giáo án là một kịch bản, kịch bản có hay, có
chu đáo thì giảng dạy mới thành công được. Và giáo viên là một nghệ sĩ, người
nghệ sĩ đó phải có năng khiếu, phải yêu nghề và phải có kỹ năng truyền tải thì
những lời nói của nghệ sĩ mới được người nghe đón nhận và ghi sâu. Vở kịch có
hay, có đi vào lòng người là phụ thuộc khả năng diễn của người nghệ sĩ.
Và ngày hôm nay, ngày
20-11 này là kỷ niệm đầu tiên của tôi trong nghề giáo, biết bao cảm xúc, biết
bao niềm vui xen lẫn tự hào cứ len lỏi trong tôi, thúc dục tôi phải cố gắng
thật nhiều để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Cũng nhân ngày này, tôi
cảm ơn tất cả những người thầy cô đã qua trong cuộc đời, những người đồng
nghiệp xưa - và nay, những người ở ngay bên cạnh cuộc sống của tôi – họ đều là
những người thầy mà tôi cần học hỏi - cần bù vào những cái tôi còn khuyết... Có
tất cả... để tôi có được mùa 20-11 đầu tiên, “mùa yêu đầu” tiên...
Nguyễn Thị Thu Hằng