Với nhu cầu phát triển
cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao trong thiết kế giao thông (cầu cống,
đường xá, hầm) trong tương lai, "kỹ sư cầu đường" được dự báo sẽ tiếp
tục là nghề "hút" nhân lực.
Thiếu nhân lực
chất lượng cao
Với nhu cầu
phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao trong thiết kế giao thông
(cầu cống, đường xá, hầm) trong tương lai, "kỹ sư cầu đường" được dự
báo sẽ tiếp tục là nghề "hút" nhân lực.
Ông Doãn Kế
Hoằng, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế đường bộ Heco, thành viên của TEDI
(Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải) cho biết: "Đội
ngũ tư vấn thiết kế vẫn còn thiếu nhiều, nhưng đó là thiếu nhân lực chất lượng
cao".
Ông giải thích
thêm: Chỉ riêng kỹ sư tư vấn thiết kế cầu đường, hiện nay, ở Bộ giao thông, ở
các Sở giao thông của tỉnh rồi đơn vị tư nhân.... có khá nhiều, nhưng chất
lượng vẫn còn rất yếu kém. Trong công ty Heco, kỹ sư chất lượng cao đếm trên
đầu ngón tay.
Các công ty cầu
đường tuy thường xuyên gửi nhân lực tiềm năng ra nước ngoài để đào tạo nhưng
không mấy khi họ muốn tuyển kỹ sư đi du học về. Lý do đơn giản là, tuy tiếp thu
công nghệ tiên tiến nhưng kỹ sư đi du học phải khá chật vật để làm quen và
thích ứng trở lại với hệ thống pháp lý "nhằng nhịt" ở VN.
Ngay ở trong
nước hiện nay cũng có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành
này với tên gọi Kỹ thuật xây dựng Công trình giao
thông, trong đó có Khoa Xây dựng- Trường Đại học Vinh. Sau khi nhận xong tấm
bằng "kỹ sư cầu đường", bạn có thể ung dung trở thành một kỹ sư tư
vấn thiết kế hoặc kỹ sư giám sát thi công, tùy lựa chọn. Vậy những lựa chọn đó
căn cứ vào đâu? Năng lực, sở thích hay thiên hướng nghề nghiệp?
Kỹ sư tư vấn
thiết kế
Công việc của
các kỹ sư Cầu đường có thể chia hai loại: Tư vấn thiết kế công trình và Giám
sát thi công. Mỗi công việc có những đặc thù riêng.
Kỹ sư tư vấn
thiết kế thường làm những phần việc sau: Khảo sát địa hình, địa chất, lập
dự án nghiên cứu tính khả thi của công trình, tính toán, lập bản vẽ chi tiết...
trước khi thi công một cây cầu hay một tuyến đường nào đó.
Anh Nguyễn Văn
Ngọc (Công ty cổ phần tư vấn thiết kế VinaCico) cho biết: "Đây là
công việc thích hợp với những ai cần cù, chịu khó, có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ
và chính xác. Ngoài ra, kỹ sư tư vấn đòi hỏi trí sáng tạo, tưởng tượng và một
kiến thức tổng quan về xã hội thật vững. Bạn phải nắm chắc chuyên môn, am hiểu
thi công, am hiểu thiết kế, biết cách quản lý dự án và tính toán trên các hạng
mục, đồng thời cũng phải có kiến thức về Luật pháp. Giao tiếp tốt và năng lực
thuyết trình cũng là yêu cầu không thể thiếu nếu bạn muốn thuyết phục nhà đầu
tư tin vào bản vẽ và dự án thiết kế mà mình dày công sáng tạo".
Dĩ nhiên, không
phải đợi đến lúc hội đủ các "tố chất" như trên mới đi làm được kỹ sư
tư vấn thiết kế. Theo kinh nghiệm của ông Doãn Kế Hoằng, Giám đốc Công ty tư
vấn thiết kế đường bộ Heco, thành viên của TEDI (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế
Giao thông Vận tải): thì phải "tu luyện ít nhất 10 năm sau khi ra
trường mới trở thành một kỹ sư chuẩn như yêu cầu". Ông khuyến cáo, SV
mới ra trường đừng ngại học hỏi, bởi phần lớn kỹ sư trẻ đều phải đào tạo lại và
các công ty đều có chiến lược cho đội ngũ này.
Giải pháp tốt
nhất để vừa tận dụng khả năng, vừa bồi dưỡng tay nghề là giao cho các kỹ sư mới
ra trường những phần việc nhỏ, chi tiết. Thậm chí, 1, 2 năm đầu có thể chỉ
chuyên vẽ. Sau đó là tính toán và lập dự án. Nhiều công ty sẵn sàng cử
nhân viên trẻ đi thực hành từ những khâu đầu tiên như quan sát cách khảo sát
địa hình, địa chất, thủy văn, xem cách lấy mẫu và thí nghiệm mẫu như thế nào.
Tất nhiên, cách đào tạo hiệu quả nhất là đào tạo tại chỗ, người đi trước truyền
nghề cho người đi sau. Những công ty như Heco thường nhận được nhiều dự án lớn
nên kỹ sư trẻ cũng có điều kiện tiếp xúc và trường thành nhanh.
Ưu điểm lớn
nhất của kỹ sư tư vấn thiết kế là được làm việc ở các trung tâm, ít phải đi xa
và luân chuyển theo công trình như kỹ sư giám sát. Trung bình, mỗi năm chỉ
phải đi từ 1 - 2 tháng. Trừ khi đảm nhận những dự án lớn thì phải đi lâu hơn,
thậm chí phải thường trực ở công trình. Bởi, các công trình lớn thường xuyên
thay đổi các chi tiết nên luôn cần 1 - 2 kỹ sư thường trực để chỉnh sửa thiết
kế khi có thể.
Những người
ngại đi công tác xa và có thiên hướng nghiên cứu KH thường chọn công việc này.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn làm tốt phần việc của kỹ sư
tư vấn thiết kế, khi mới ra trường, tốt nhất là xin đi làm giám sát công trình từ
1 - 2 năm để có kinh nghiệm thực tế. Sau đó hãy tìm cơ hội thi vào các công ty
tư vấn. Anh Ngọc tâm sự :"Hồi mới ra trường mình xin đi công trình
ở Hải Dương một năm, thấy khôn ra nhiều . Bởi có đi công trình mới hiểu rõ thế
nào là những chi tiết nhỏ trong giao thông. Từ đó sẽ có hình dung tổng
thể về trình tự thi công. Trực giác sẽ nắm bắt được nhiều hơn so với lý thuyết
trong trường học".
Kỹ sư giám sát
công trình
"Kỹ sư
giám sát có trách nhiệm là hướng dẫn, giám sát và điều chỉnh cho công nhân. Nhưng
thật ra cũng ăn ở và làm việc chẳng khác gì anh em công nhân", anh
Trần Thanh Hải, kỹ sư công ty OBAS cho biết.
Kỹ sư giám sát
là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình. Những phần việc phải
làm là: Theo dõi tiến độ một công trình; Nghiệm thu xác nhận khi công trình bảo
đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn chất lượng; Yêu cầu nhà thầu đảm bảo những
phần việc theo đúng hợp đồng. Kỹ sư giám sát có thể đề xuất những bất hợp lý
trong quá trình tiến hành với chủ đầu tư để kịp thời sửa đổi...
Anh Hải so
sánh: "Khác với kỹ sư tư vấn, giám sát thi công thường xuyên phải di
chuyển theo các công trình. Vậy nên, chỉ những ai có sức khỏe tốt, có khả năng
chịu đựng áp lực công việc cao lại hoạt bát và nhanh nhẹn mới thích hợp với
công việc này" .
Đã từng đi giám
sát công trình trước khi làm tư vấn thiết kế, anh Ngọc chia sẻ kinh nghiệm:
" Giao tiếp tốt cũng là một lợi thế nếu muốn thăng tiến bởi nhận
quản lý công trình, đội ngũ kỹ sư giám sát "toàn quyền" với phần việc
của mình, thậm chí có thể "thiên biến vạn hóa" trong một chừng mực
nào đó. Cơ hội tăng thêm thu nhập cũng nhờ đó mà nhiều hơn. Và chất lượng công
trình cũng phụ thuộc một phần vào đạo đức của người giám sát".
Bởi thế, nhiều
người trong nghề đã nhận định rằng, so với công việc tư vấn thiết kế, làm giám
sát công trình giúp bạn "khôn" ra, từng trải hơn, biết cách thiết lập
quan hệ xã hội và tự lập hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, với những người được
"bao bọc" trong môi trường sách vở quá lâu, chi cần đi theo công
trình một thời gian ngắn đủ giúp bạn "lột xác" hoàn toàn. Đây cũng là
ưu thế để nếu đi làm 1, 2 năm, muốn quay về làm thiết kế, bạn sẽ có trực giác
tốt cho công việc vốn nặng tính lý thuyết này.
Để vững tay
nghề, hầu hết các kỹ sư giám sát thi công đều cho rằng, ngay từ khi trong
trường học, bạn nên chú trọng vào 3 môn khoa học cơ bản là: Sức bền vật liệu,
Cơ kết cấu và Cơ học.
Tất nhiên,
nhiều người không thích ngồi mãi ở một vị trí thì có thể luân chuyển giữa hai
công việc thiết kế và giám sát. Tuy nhiên, từ một kỹ sư thiết kế chuyển sang
làm giám sát công trình bạn sẽ thích nghi nhanh hơn so với việc đi giám sát một
thời gian dài lại muốn quay về làm tư vấn thiết kế. Bởi từ công trường quay về
với văn phòng, bạn sẽ phải ngồi gò bó trước máy tính thay vì được thoải mái bố
trí thời gian theo ý mình. Chưa tính tới việc, đi công trình quá lâu, các kỹ
năng đồ họa và tính toán sẽ theo với cột, trụ, sắt thép... mà rơi rụng dần.
Từ góc nhìn nhà
tuyển dụng, ông Doãn Kế Hoằng cho biết, đại ý: Công ty thường có hai lựa chọn.
Một, chọn ngay SV mới ra trường để đào tạo thành kỹ sư tư vấn. Hai, những kỹ sư
đã từng đi làm tư vấn, xin đi giám sát công trình một thời gian, nếu muốn quay
về làm tư vấn tiếp, chắc chắn sẽ được đón nhận. Nhà tuyển dụng không muốn đưa
một kỹ sư thuần giám sát lóng ngóng vào văn phòng tư vấn thiết kế. Và dĩ nhiên,
cũng không nhiều người muốn thay đổi vị trí công việc đã chọn.
Anh Hải, kỹ sư
Công ty OBAS, kể chuyện, một vị"sếp" của anh, năm nay đã 60
nhưng chỉ thích đi xa. Công ty có đặc cách "gọi" thì ông cũng không
về. Bởi cả đời gắn với cột, trụ, mố.... ông không có khái niệm về những thứ tỉ
mỉ như bản vẽ và phần mềm thiết kế.
Nghề không bao
giờ thất nghiệp
Tuy luôn phải
đi làm xa, công việc lại vất vả, ít có thời gian gần gũi với gia đình,
nhưng chắc chắn không bao giờ lo thất nghiệp, đó là nhận xét chung của hầu hết
các kỹ sư cầu đường. Vì vậy, "thi vào ĐH Giao thông phần lớn là học trò
tỉnh xa, gia đình không có điều kiện xin việc, sẵn lòng chịu vất vả, kham
khổ", Phương, kỹ sư tư vấn thiết kế Công ty đầu tư phát triển cơ sở hạ
tầng tâm sự. Khóa của Phương ở ĐH Giao thông HN hồi đó chủ yếu SV ngoại tỉnh và
phần lớn đều rất cần cù, chịu khó.
Quê ở Ninh
Bình, bố mẹ đều sống bằng nghề nông, tuy học giỏi và rất mê ngành kinh tế nhưng
được sự tư vấn của thầy giáo, Thanh đã đầu đơn thi vào ĐH Giao thông vận tải
HN. Tốt nghiệp hôm trước, hôm sau nộp hồ sơ cho một công ty cầu đường với cam
kết "sẵn sàng đi vào Tây Nguyên", chỉ một tháng sau Thanh đã khăn gói
vào Kon Tum theo một công trình cải tạo đường. "Tuy có hơi vất vả nhưng
khi xin việc bố mẹ khỏi lo mất tiền"... ,Thanh lạc quan. Anh cho biết,
sẽ phấn đấu đi xa vài năm, khi nào lên làm đội phó đội thi công thì sẽ đỡ vất
vả hơn. Những tuyến đường lớn trong hệ thống giao thông phần lớn đã ổn định nên
việc xây mới cầu cống, đường xá thường diễn ra ở vùng sâu, vùng xa.
Tất nhiên cũng
có không ít đấng nam nhi chọn giao thông để được "thỏa chí tang bồng"
đi cho biết đây, biết đó, bù đắp những năm "mài đũng quần" trên ghế
nhà trường. Vậy nên, lời khuyên đưa ra là, nếu bạn mong một cuộc sống ổn định
thì chớ nên chọn nghề này. Nếu chọn nhầm, bạn sẽ phải làm lại từ đầu.
Tôi biết một anh
bạn tên Phước (quê Thanh Hóa) tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông đã 3 năm
nhưng vẫn long đong tìm việc. Giằng xé giữa chuyện người yêu ở nhà muốn cưới
với việc muốn có việc làm thì phải đi xa không biết khi nào mới về, Phước đã
chọn gia đình và người yêu. Giờ đây, cưới vợ xong, anh lại tong tả đi học thêm
trung cấp Dược để được ở nhà với vợ, con.
Thế nên, không
ít kỹ sư Giao thông, do đặc thù nghề nghiệp và môi trường học tập, làm việc ít
con gái, nhiều người đã quá tuổi "băm" mà vẫn chưa tìm được một nửa của
mình để chia sẻ cuộc sống.