Thành quả học tập của
học sinh, sinh viên phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa việc cần cù học tập
với lĩnh hội tri thức từ sách vở, tài liệu. Nếu đọc sách thường xuyên và có
phương pháp khoa học thì kiến thức của sinh viên sẽ luôn được bổ sung, nâng
cao, bồi dưỡng năng lực tư duy logic.
Sách giáo trình cùng
với các tài liệu học tập khác là sự cụ thể hóa nội dung dạy học trong nhà
trường, là nguồn tri thức quan trọng và phong phú đối với sinh viên. Giáo trình
được sinh viên sử dụng để phục vụ ôn tập và củng cố kiến thức. Các em có thể
học thuộc hay tra cứu chính xác những số liệu, công thức, định nghĩa, định lý…
trong quá trình học tập, tự học theo một chủ đề nhất định. Để việc lĩnh hội
những kiến thức từ tài liệu, giáo trình hiệu quả, các em cần trang bị một số kỹ
năng đọc sách cơ bản sau:
Kỹ năng đọc lướt
Đọc lướt nhằm tìm hiểu một cách khái
quát nội dung, các kiến thức từng phần sắp xếp theo từng đề mục của quyển sách.
Mục đích của kỹ năng này giúp sinh viên tìm được ý chính, bố cục, nắm vững vấn
đề, luận điểm chính. Các em cần nắm, ghi nhớ những thông tin nhanh khi đọc lướt
các mục lục, các chương cụ thể để hiểu tổng quát nội dung quyển sách. Rèn luyện
những kỹ năng đọc lướt giúp các em có thể nắm được nội dung khái quát của bài
đọc nhưng lại không mất nhiều thời gian và công sức.
Kỹ năng tóm tắt
Tóm tắt là ghi lại những ý cơ bản,
những dẫn chứng minh họa đã được chứng minh trong bài đọc. Trong giáo trình mỗi
câu, mỗi đoạn đều có một hoặc nhiều từ khóa quan trọng quyết định đến tư tưởng,
nội dung của toàn bài. Do đó, sinh viên phải phát hiện, nhận dạng nhanh và ghi
nhớ thật chi tiết những từ khóa. Chính vì vậy, các em không cần phải đọc hết
câu hay đoạn mà vẫn có thể tóm tắt được ý chính. Để có khả năng tóm tắt được
những từ khóa quan trọng, sinh viên phải đọc thường xuyên và tạo cho mình thói
quen nhận diện từ khóa để khu biệt các nhóm ý, tổng hợp các ý trong mỗi nhóm.
Việc tóm tắt tài liệu có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất đầy đủ
của nội dung. Dạng tóm tắt đầy đủ là phải ghi lại một cách ngắn gọn toàn bộ các
thông tin, sự kiện. Dạng tóm tắt đơn giản là các em chỉ ghi tóm tắt những điểm
nhấn trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất, những nội dung còn lại chỉ ghi
dưới dạng đề cương, nêu tên các vấn đề.
Kỹ năng phân chia nội dung
Kỹ năng này đòi hỏi sinh viên cần phải
biết xác định được vấn đề cốt lõi của quyển sách, những khía cạnh mang tính bản
chất xung quanh nội dung chính. Các em phải định dạng được những ý cơ bản của
vấn đề đã đọc, muốn vậy khi đọc phải luôn hình dung những ý tưởng trong sách
thành những biểu tượng để đối chiếu, so sánh. Để làm tốt phân đoạn này sinh
viên cần lĩnh hội có phê phán những kiến thức, những tư tưởng… biết phân tích,
xem xét những thông tin quyển sách truyền tải nhằm đánh giá, phân loại, tách
nội dung, thiết lập mối quan hệ giữa chúng. Sau đó, các em sắp xếp, đặt tên
tiêu đề cho từng phần, đoạn đã đọc sao cho tên các đề mục phản ánh được ý
chính. Phương pháp này tạo nền tảng thuận lợi cho kỹ năng phân loại tài liệu vì
phân loại tài liệu được dựa trên cơ sở tiến hành phân chia nội dung, cấu trúc
logic của bài đọc. Trong bài đọc có những luận điểm, ý tưởng cơ bản và những
dẫn chứng chứng minh cho các vấn đề đó.
Kỹ năng trích ghi
Sinh viên không phải lúc nào cũng có
thể nhớ hết những thông tin, tri thức đã đọc. Vì vậy ghi chép là thao tác quan
trọng khi đọc sách, giúp các em ghi nhớ sâu hơn những nội dung, kiến thức đã
đọc. Trích ghi là ghi lại nguyên văn những từ, những câu văn, câu thơ, ý tưởng,
những đoạn trong tài liệu, trong đóng mở ngoặc kép hoặc ghi tóm tắt chương,
mục… để khi cần sinh viên có thể dẫn chứng làm tăng thêm tính thuyết phục của
những luận điểm trình bày, chứng minh. Kỹ năng này đòi hỏi sinh viên phải ghi
chép một cách cụ thể, khoa học như: Nội dung, tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất
bản, năm xuất bản, trang… Các em nên tạo thói quen đánh dấu, gạch dưới những
phần, từ ngữ, những điểm nhấn cần thiết trong quyển sách. Các em có thể ghi lại
nội dung, những tư tưởng, những ý hay, các sự kiện, công thức, số liệu… vào một
cuốn sổ tay để khi cần thiết có thể xem lại. Ghi chép trong khi đọc là việc làm
cần thiết bởi vì dù học sinh có tập trung suy nghĩ thận trọng và sâu sắc nhưng
nếu không ghi chép tỉ mỉ, kết quả đọc sẽ không cao và những thông tin không thể
lưu giữ lâu trong trí nhớ.
Kỹ năng lập dàn bài
Dàn bài là tổ hợp các
đề mục chứa đựng những ý cơ bản có trong bài đọc. Các phần của dàn bài sinh
viên phải chi tiết hóa, phân nhỏ ra thành từng phần. Để lập dàn bài sinh viên
cần tách ra các ý chính, thiết lập giữa chúng mối quan hệ, nối kết các yếu tố
để sắp xếp lại thành một trật tự có hệ thống trên cơ sở chia nhỏ bài đọc, lựa
chọn đề mục cho từng phần nhỏ. Khi lập dàn bài sinh viên phải làm nổi bật các
yếu tố, các luận điểm chính đồng thời không bỏ qua các yếu tố như cấu trúc, nội
dung chính, lời mở đầu, thân bài, kết luận của bài đọc. Làm tốt kỹ năng xây
dựng dàn bài giúp các em phát triển tư duy trong đọc sách, có cơ sở vững chắc để
khái quát, kiến lập hệ thống tri thức một cách khoa học, ngắn gọn, súc tích từ
nội dung một chương hay nhiều chương.
Kỹ năng lập đề cương
Đề cương là những ý cơ bản của bài đọc
được sinh viên tóm tắt lại, đề cương là sự chi tiết hơn của dàn bài có kèm theo
những câu, những đoạn trích dẫn. Những ý, quan điểm chính của đề cương được
sàng lọc từ nội dung chi tiết của bài đọc dựa trên các chương mục, tiểu mục. sinh
viên thiết kế kết cấu của đề cương phải đáp ứng mục tiêu xây dựng vừa mang tính
khái quát cao nhưng lại cô đọng cụ thể trong từng nội dung chính. Việc lập đề
cương phải được thực hiện theo một hệ thống thông tin logic để khi cần các em
có thể tư duy, hình dung, tưởng tượng kiến thức theo chiều ngang hoặc chiều
dọc. Làm tốt công việc xây dựng đề cương giúp sinh viên tiếp cận kiến thức có
thể hệ thống và nắm nội dung bài đọc một cách nhanh chóng, chi tiết đồng thời
phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập.