Câu chuyện mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bị đuổi học tại các trường lớn ở Hà Nội, Sài Gòn nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo nhận định của bộ phận quản lý đào tạo ở nhiều trường đại học, nguyên nhân chủ yếu đến từ phía sinh viên, khi thiếu nỗ lực trong học tập. Tuy nhiên, một phần khác cũng dẫn đến thực trạng này là chương trình học được thiết kế chưa hợp lý, thiếu thu hút với các bạn trẻ.

Nhiều môn lý thuyết, cách dạy thầy đọc, trò chép

Nói về chương trình đào tạo của năm thứ nhất, Phạm Thu Hồng, sinh viên ngành Quản trị Nhân lực của một trường đại học ở Hà Nội, cho hay ngay năm đầu, bạn phải học những môn khoa học cơ bản và đại cương rất chán và "khó nhằn". Thậm chí, nhiều sinh viên học xong không nhớ gì, lên giảng đường chỉ để điểm danh và... ngủ.

Nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu học tập hoặc bỏ vì quá chán nản. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.

Theo Thu Hồng, sinh viên thường có tâm lý chỉ cần học sâu chuyên môn để làm việc khi tốt nghiệp chứ không quan tâm những môn học đại cương. Vì vậy, họ chểnh mảng, chuyện học, thi lại môn đại cương không hiếm.

Nguyễn Quang Anh, sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội, bày tỏ dẫu biết các môn đại cương giúp có nền tảng về lý luận nhưng với phương pháp truyền thống thầy đọc - trò chép hiện nay, việc học như gánh nặng đè lên vai.

Nam sinh cho rằng cách dạy và học này là dành cho "học sinh lớp 13" chứ không phải sinh viên đại học. Thời công nghệ thông tin nhưng vẫn chỉ thầy nói trên bục giảng, học sinh chép được chữ nào biết chữ đó. Không Internet, không làm việc nhóm, không nghiên cứu, tìm tòi, tranh luận, phản biện, đến khi đi thi, các bạn học thuộc lòng, học tủ và trả lại những gì thầy cô đã... cho chép.

"Chương trình và phương pháp đào tạo như vậy khiến nhiều bạn không có hứng thú với học tập. Người không quyết tâm và chủ động sẽ rất dễ trượt khỏi đường ray ngay từ năm thứ nhất", Quang Anh nêu quan điểm.

Ông Lê Trọng Trí - giảng viên đại học chuyên ngành Kinh tế tại Hà Nội - cho biết ở các môn đại cương, sinh viên thường học chung lớp, đến chuyên ngành mới tách ra. Do lớp học đông, chương trình khô khan, các môn này thường là nỗi sợ của sinh viên, thậm chí của giảng viên, nếu họ không biết tự làm mới bài học của mình.

Theo ông Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, ĐH Thủy lợi - sinh viên năm thứ nhất của trường bắt buộc học về Toán, Lý, Hóa là những môn cơ bản, quan trọng. Ngoài ra, các môn đại cương như Lý luận chính trị, Pháp luật đại cương... được phân chia đều trong suốt quá trình học chứ không chỉ dồn trong năm đầu.

Ông Thạc nhận định nếu dồn hết các môn khoa học cơ bản và đại cương vào năm học thứ nhất có thể khiến sinh viên chán nản, nhất là khi cách học của phổ thông hoàn toàn khác với đại học.

“Nếu ở phổ thông, thầy cô cầm tay chỉ việc thì bậc đại học, giảng viên sẽ gợi mở, định hướng để sinh viên tự nghiên cứu. Những bạn trẻ không chủ động trong học tập sẽ khó đạt được kết quả mong muốn”, ông Thạc nói.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng đồng tình với quan điểm rằng nếu các trường dồn hết môn đại cương, cơ bản vào năm thứ nhất, sẽ khiến sinh viên có cảm giác nặng nề, chương trình học khó.

Với trường đào tạo thiên về kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, môn học cơ bản là rất cần thiết. Đôi khi, sinh viên không hiểu học những kiến thức này để làm gì, dẫn đến chán nản, dễ "đứt gánh giữa đường".

Ông Tớp khẳng định phần lớn số sinh viên bị đuổi học đều thuộc sinh viên năm thứ nhất, thứ hai.

“Tôi không cố gắng tìm lý do để đổ lỗi cho các em nhưng thực tế cho thấy phương pháp học ở phổ thông và đại học hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, khi vào đại học, các em nghĩ mình sẽ được xả hơi hay vội vã kết luận mình không hợp với nhà trường", ông Tớp nêu quan điểm.

Điều chỉnh chương trình học giúp sinh viên hứng khởi

Cũng theo ông Trần Khắc Thạc, ĐH Thủy lợi đã chủ động thay đổi chương trình học sao cho hấp dẫn với sinh viên ngay từ năm thứ nhất, giúp các em dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.

Cụ thể, những môn cơ bản bắt buộc như Toán, Lý, Hóa vẫn được giữ nguyên trong năm học đầu tiên, đồng thời bổ sung các môn học về rèn luyện kỹ năng, làm việc nhóm. Các câu lạc bộ học tập, hoạt động xã hội cùng các môn học đại cương sẽ được lồng ghép và trải dài suốt các năm học.

“Chúng tôi chủ động thiết kế chương trình để sinh viên làm quen với phương pháp học tập khi mới vào trường. Mỗi năm, nhà trường tổ chức các buổi đối thoại để sinh viên chất vấn ban giám hiệu. Mỗi lớp đều có cố vấn học tập để giải đáp mọi tâm tư, tình cảm, thắc mắc cho các em", ông Thạc nói.

Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp, có người nói việc đuổi học sinh viên “nở rộ”, cách ví von này không đúng. Đây thực chất là sự chọn lọc cần thiết. Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, không có chuyện vào bao nhiêu thì ra bấy nhiêu.

Nhằm tạo hứng thú cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, ông Tớp cho hay từ năm học này, nhà trường có thể không dồn toàn bộ các môn cơ bản vào học kỳ I.

“Tôi lấy ví dụ với môn Giải tích 1, 2 và Vật lý, những năm trước, ĐH Bách khoa Hà Nội thường đưa vào học kỳ I của năm thứ nhất. Bây giờ có thể chuyển Vật lý học sau, học ở kỳ đầu quá nhiều, các em sẽ gặp khó khăn. Đó là cách nhà trường điều tiết chứ không giảm số môn. Sinh viên sẽ học cùng các môn như Lý luận chính trị, Giáo dục thể chất, Nhập ngành”, ông Tớp chia sẻ.

Ngoài ra, trong suốt quá trình, ĐH Bách khoa Hà Nội còn hỗ trợ sinh viên với nhiều môn học về kỹ năng mềm, sáng tạo khởi nghiệp… với mục đích tiếp thêm cho các bạn trẻ hứng khởi, tránh lâm vào tình trạng "đứt gánh giữa đường" đáng tiếc.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn