Văn Kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Trọng tâm là “... đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đạo tạo phát triển nguồn nhân lực, phấn đấu trong những năm tới, tạo ra chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo làm cho giáo dục đào tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân, là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội, yêu cầu của hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.

Những năm gần đây, hệ thống giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Sự canh tranh càng gay gắt trong toàn xã hội, sự cạnh trang giữa các sinh viên trong quá trình học tập, tìm kiếm việc làm, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo diễn ra ngày càng khốc liệt thể hiện trong công tác tuyển sinh, trong công tác đào tạo và chất lượng sản phẩm qua đào tạo. Sự canh tranh khốc liệt này không chỉ diễn ra giữa các cơ sở đào tạo trong nước, mà còn là sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong nước với cơ sở đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam, bởi phương pháp đào tạo và chất lượng sản phẩm của họ tạo ra sức thuyết phục hơn, chất lượng cao hơn, sinh viên ra trường dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm. Vì vậy đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam là một tất yếu.

Đổi mới phương pháp dạy học
Nâng cao chất lượng đào tạo là một nhu cầu bức thiết của xã hội ngày nay đối với các cơ sở đào tạo, là sự sống còn có tác động mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo nguồn lực cho sự phát triển xã hội. Trong rất nhiều các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì giải pháp đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng hiện nay ở tất cả các cơ sở giáo dục. Thực trạng phương pháp dạy học ngày nay vẫn là phương pháp thuyết trình. Phương pháp thuyết trình lấy công nghệ dạy học gắn với quan điểm: “Lấy người dạy làm trung tâm” không còn phù hợp với phương pháp dạy học mới ngày nay. Hệ lụy của phương pháp này là:

- Thầy thuyết giảng theo kiểu đọc chép, học trò nghe, ghi theo khuynh hướng chung là thầy giảng bài chậm, nói chậm, học trò nghe, nhìn, chép nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ như: Laptop, projector hoặc phần mềm Power Point. Công cụ này cũng rất tiện ích, giúp thầy đọc, chép nhiều môn học khác nhau mà không cần phải chuẩn bị bài giảng kỹ càng.

- Người học thụ động tiếp thu kiến thức một chiều. Người dạy đứng lớp truyền đạt kiến thức cho người học trong khuôn khổ giáo trình, bài giảng đã được quy định sẵn, người học nghe giảng và ghi chép, đôi khi trong quá trình giảng bài cũng đặt ra những câu hỏi, những vấn đề, những tình huống yêu cầu người học suy nghĩ trả lời, bình luận. Tính thụ động tiếp thu kiến thức một chiều bộc lộ ở chỗ mọi vấn đề trao đổi, các câu hỏi, các tình huống mà người thầy nên ra đều diễn ra theo kịch bản được người dạy chuẩn bị trước, mọi kiến thức, cách thức trả lời đều qua người dạy rồi mới đến người học. Tính thụ động tiếp thu kiến thức làm triệt tiêu sự tư duy sáng tạo của người học, biến người học thành máy nghe, máy chép.

- Kiến thức đóng khung, áp đặt: Chương trình đào tạo, các môn học, các phần học được chuẩn hóa bởi các cơ quan quản lý giáo dục và được các cơ sở giáo dục thực hiện như là “pháp luật” đào tạo không được thay đổi, không được tùy tiện cắt xén. Người dạy quyết định vận mệnh của người học thông qua các môn học, phần học mang tính áp đặt, bài giảng của người dạy, đề thi, đề kiểm tra cũng của thầy, thầy ra, thầy chấm, thầy quyết định điểm của môn học, phần học. Do người học tiếp thu một chiều, làm bài theo quy định chung, theo quy định của thầy dẫn tới khuynh hướng tư duy đóng, thiếu tính sáng tạo.

- Dạy học theo kiểu nhồi nhét kiến thức “cái gì cũng biết mà cái gì cũng không biết”. Người học tiếp thu được nhiều hay ít là phụ thuộc vào ý thức, vào thái độ học tập, kết quả cuối cùng của cách học này là các bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi hết môn đủ điểm là được. Hệ lụy của học nhồi nhét kiến thức là học đối phó, học chỉ để thi cho qua và cuối cùng thì “cái gì cũng biết” nhưng không hiểu được bản chất, nội dung sâu sắc của kiến thức, không hiểu được căn kẽ tường tận bài học, môn học, và càng không thể vận dụng kiến thức này để hình thành kỹ năng nghề nghiệp, để sử dụng trong việc làm sau này, vì thế “cái gì cũng không biết”.

- Học nhiều nhưng thực hành quá ít. Học ở trường, học ở trên lớp vẫn là phương pháp học chủ đạo của các cơ sở đào tạo ngày nay. Thực hành quá ít, chủ yếu vẫn theo lối cũ là thực hành thông qua thực tập chuyên ngành, thực tập cuối khóa. Xét về mặt bản chất vẫn chỉ mang tính hình thức vì thời gian thực tập ngắn, nội dung thực tập giản đơn “cưỡi ngựa xem hoa”, không đủ để hình thành kỹ năng chuyên môn, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp cho người học.

Nói tóm lại, phương pháp dạy học truyền thống “lấy người dạy làm trung tâm” dựa trên quá trình tích lũy kiến thức từ giáo trình và bài giảng của người thầy được áp dụng phổ biến ở nhiều trường học. Sinh viên học từng phần kiến thức, học hết phần này rồi chuyển sang học phần khác. Trong suốt quá trình học, sinh viên cang ghi nhớ được nhiều kiến thức càng tốt, vì bài kiểm tra, bài thi đánh giá bằng khả năng “ghi nhớ” chứ không chú trọng đến khả năng “vận dụng kiến thức vào thực tế”. Cách học này được dùng trong suốt một thời gian dài. Thực tiễn cho thấy đây không phải là phương pháp dạy học thích hợp và hiệu quả ngày nay.

Phát triển nguồn lực có chất lượng cao đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo ngành nghề theo hướng mở, hội nhập, xây dựng một xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất chất lượng nguồn lực là phải đổi mới phương pháp dạy học. Giải pháp là:

Thứ nhất: Đổi mới phương pháp dạy học của người thầy bắt nguồn từ yêu cầu học tập của người học: Như chúng ta đã biết, chương trình đào tạo đòi hỏi người học phải chủ động nhiều hơn trong việc học, với nguồn tài liệu đa dạng và phong phú hơn thời kỳ học phổ thông và có quá nhiều thông tin, khối lượng kiến thức liên tục tăng mỗi năm, người học không thể nào ghi nhớ được tất cả. Thay vì dựa vào trí nhớ, người học cần phải tìm ra cách thức để hệ thống được những thông tin mà mình cần, tìm được thông tin mới, đây chỉ là bước khởi động. Sau khi có được thông tin thì người học phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin, áp dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Công việc này đòi hỏi người học phải có phương pháp học tập mới đó là “phương pháp học tập tích cực” hay còn gọi là “học qua hành”. Phương pháp này nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng đến kết quả học tập. Đây cũng là phương pháp giúp cho người học phát triển kỹ năng tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề. Để làm được điều đó, yêu cầu tất yếu mà người học mong muốn là học theo “phương pháp học tích cực” hay còn gọi là “học qua hành”.

Phương pháp “học qua hành” tập trung vào việc khuyến khích và động viên người học tự giác tìm kiếm, học bằng cách đọc, tự mình tổ chức và xử lý thông tin thay vì lệ thuộc vào bài giảng của người thầy. Người học phải có ý thức, thái độ “tích cực” cho việc học của họ, đọc tài liệu trước khi lên lớp và tập trung vào các hoạt động như trao đổi, tranh luận, phân tích và ứng dụng thực tế ngay trên lớp nhằm tích lũy thêm tri thức, đó là kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề.

Sử dụng phương pháp học tập tích cực, người dạy đóng vai trò là “người hướng dẫn” giúp người hộc thu được kết luận đúng thông qua sự chỉ dẫn, khuyến khích cũng như thách thức họ đạt được mục đích học tập. Trực tiếp ứng dụng những kiến thức học được trong các cơ sở đào tạo vào thực tế sẽ giúp cho người học tiếp thu tài liệu tốt hơn và dần dần hình thành, phát triển thái độ, ý thức học tập cả đời.

Phương pháp học tập tích cực có ý nghĩa quan trọng giúp sinh viên biết cách tìm, tra cứu tài liệu thông tin, tổ chức chúng, thực nghiệm và kiểm nghiệm các câu trả lời của mình thông qua ý kiến đánh giá của người thầy và của nhiều người. Dần dần các kỹ năng được hình thành trong suốt quá tình học tập đem lại cho người học nhiều kinh nghiệm riêng, hình thành các kỹ năng xử lý công việc cũng như những khả năng tự tin, thích ứng trong cuộc sống hàng ngày. Khi áp dụng phương pháp học tích cực vào quá trình dạy học, người thầy cần yêu cầu người học giải thích điều họ đã học dựa trên quan điểm cá nhân của họ, hỗ trợ họ thảo luận và chia sẽ ý kiến cá nhân với bạn bè, sau cùng là người học sẽ tự mình rút ra kết luận qua sự tương tác với người khác.

Tuy nhiên, không dễ thay đổi việc học từ “thụ động” sang việc học “tích cực” vì phần lớn người học và cả người dạy đã quen với phương pháp học truyền thống. Thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức và khó có thể phá bỏ ngay. Thêm vào đó phần lớn người học vẫn có xu hướng chống lại việc “đọc tài liệu trước khi lên lớp”, “tham gia thảo luận trên lớp” hay “tự đọc thêm ở nhà” một cách chủ động và tích cực. Đây chính là thách thức cho người dạy và người học muốn áp dụng phương pháp dạy học tích cực.

Thứ hai: Một số yêu cầu của việc học tập tích cực:

- Đòi hỏi người học phải tự chịu trách nhiệm về việc học của chính mình.

- Đòi hỏi người học phải ý thức được tầm quan trong và lợi ích của việc học theo nhóm. Vì đây là nền tảng giúp người học hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm khi tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

- Tranh luận trong học tập cũng là một yêu cầu, một phương pháp của học tập tích cực, quá trình tranh luận hình thành nên lập trường riêng của người học. Tranh luận tạo ra cơ hội cho người học tham gia vào các hoạt động trên lớp và cho phép họ thu được kinh nghiệm trong việc trình bày ý kiến cá nhân, đây là kỹ năng mềm rất quan trọng mà người học cần phải tích lũy cho quá trình lập nghiệp sau này.

Thứ ba: Đổi mới phương pháp dạy học bắt nguồn từ sự thay đổi nhận thức của người dạy: Người dạy cần phải thay đổi nhận thức của chính bản thân mình, phải có tư duy mở và phải tiếp cận các phương pháp dạy học tiên tiến. Người dạy là nhân tố chủ đạo, quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn lực có chất lượng cao. Đổi mới phương pháp dạy học tích cực biến người dạy từ chỗ là người truyền đạt kiến thức một chiều theo lối truyền thống, áp đặt, còn người học là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, một chiều thành người hướng dẫn, định hướng, tổ chức việc học cho người học một cách chủ động, tích cực, hổ trợ họ, giải đáp các thắc mắc, các yêu cầu mà người học đặt ra khi cần thiết. Chính vì vậy, người thầy phải chủ động nghiên cứu và kiên quyết đổi mới phương pháp dạy học tích cực, xem đây là điều kiện tiên quyết quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn lực hiện nay.

Thứ tư: Một số phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên, đó là:

Phương pháp người học là trung tâm.
Phương pháp thuyết giảng theo kiểu tích cực.
Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề.
Phương pháp dạy học thông qua tình huống.
Phương pháp dạy học theo kiểu truy vấn.
Các phương pháp trên đòi hỏi người dạy cần phải có sự vận dụng, sự kết hợp khéo léo một số kỹ thuật, kỹ năng như làm việc theo nhóm; đàm thoại; đóng vai; thuyết trình; động não … thì mới đạt hiệu quả, mục tiêu của phương pháp dạy học mới.

Tóm lại: Sử dụng phương pháp dạy học tích cực sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, là sự chuyển hóa mạnh mẽ và thay đổi được chất lượng đào tạo vào trong từng sản phẩm. Hy vọng khi áp dụng các phương pháp dạy học mới sẽ hướng đến việc hoàn thiện tư duy, kiến thức, kỹ năng, thái độ cho người học.