Nghề nghiệp được đề cao trong mọi thời đại
Xây dựng là ngành nghề được đề cao trong mọi thời đại, mọi bối cảnh kinh tế - xã hội.
Xây dựng là yếu tố căn bản phản ánh trình độ khoa học và kinh tế của một quốc gia. Thực tế cho thấy, một đất nước muốn phát triển thì cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng (đường sá, bến bãi, trường học, bệnh viện, siêu thị, công viên…) phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Ai cũng cần có nhà để ở, có trường để học, có bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, có siêu thị để mua sắm, có các công trình hiện đại để làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn…
Khi các nhu cầu của con người ngày càng lớn thì nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành xây dựng càng gia tăng. Đây chính là lý do, ngành xây dựng luôn được đề cao trong mọi thời đại, mọi bối cảnh kinh tế - xã hội.
Kỹ sư xây dựng là ai, cần những phẩm chất và kỹ năng gì ?
Kỹ sư xây dựng là ai? Kỹ sư xây dựng là người có khả năng tư vấn xây dựng, thiết kế, tính toán kết cấu và thi công các công trình xây dựng. Kỹ sư xây dựng là người phải tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại các trường đại học Xây dựng hay các trường đại học có chuyên ngành xây dựng.
Kỹ sư xây dựng cần những phẩm chất và kỹ năng gì ? Chắc hẳn đây là câu hỏi được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích, đang có ý định lựa chọn ngành học này. Vậy, kỹ sư xây dựng cần những phẩm chất và kỹ năng gì?
Về kiến thức, kỹ sư xây dựng phải giỏi các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học và vật lý (cơ học), am hiểu kiến thức lịch sử, địa lý và có vốn văn hóa sâu rộng. Về kỹ năng, kỹ sư xây dựng phải biết thổi hồn vào các công trình xây dựng của bản thân. Về khả năng, kỹ sư xây dựng phải có khả năng sáng tạo và tổ chức, khả năng giao tiếp tốt. Về thái độ, người kỹ sư xây dựng phải có tình yêu đất nước, thiên nhiên, con người và tinh thần ham học hỏi, không sợ khó khăn…
Chia sẻ với chúng tôi, Ts. Trần Ngọc Long - Trưởng khoa Xây dựng - Trường Đại học VInh cho biết : Ngành xây dựng là ngành tương đối đa dạng về vị trí công việc, từ làm thi công, làm thiết kế, làm tư vấn giám sát, làm quản lý dự án, làm đấu thầu, làm thanh toán, đến làm chủ đầu tư… 3 nhóm công việc chính của ngành xây dựng bao gồm: kỹ sư thi công, kỹ sư thiết kế và kỹ sư quản lý dự án. Các vị trí công việc đặc thù khác trong ngành cũng có thể xếp nằm trong 3 nhóm này.
“Sinh viên tốt nghiệp ngành xây dựng không bao giờ thất nghiệp. Ngược lại, các kỹ sư xây dựng còn có rất nhiều cơ hội việc làm tốt với các điều kiện phát triển bản thân tuyệt vời…” Ts. Trần Ngọc Long khẳng định.
Theo báo cáo của Tổng Hội Xây dựng, cả nước đang có gần 78.000 doanh nghiệp xây dựng với khoảng 4 triệu lao động. Con số này khá thấp bởi theo quy hoạch, đến năm 2020, nhân lực ngành xây dựng phải đạt từ 8- 9 triệu người. Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam dành từ 30-40% GDP cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu công nghiệp, ngành nghề, đô thị hóa và các công trình văn hóa, giáo dục, dịch vụ. Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho nhóm ngành này trong thời gian sắp tới là rất lớn.
Dự báo từ nay đến năm 2020, nhân sự ngành xây dựng mỗi năm sẽ phải tăng thêm 400.000 - 500.000 người.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng vị trí top 10 trên thị trường lao động của nhóm ngành xây dựng vẫn sẽ giữ nguyên thứ hạng trong nhũng năm sắp tới. Do đó, ngành xây dựng sẽ mang đến cho các bạn trẻ nhiều cơ hội việc làm đáng mơ ước.
Chương trình đào tạo của Khoa Xây dựng – ĐH Vinh được rà soát thường xuyên, liên tục cập nhật kiến thức mới, đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đảm bảo sinh viên ra trường làm được việc ngay, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong quá trình học tập, sinh viên được làm các đồ án có nội dung sát với thực tế xây dựng, một phần hoặc toàn công trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Bên cạnh đó, sinh siên thường xuyên được đi tham quan thực tế, thực tập tại các công trường xây dựng, các công ty tư vấn hàng đầu.