Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của PGS.TS.Nguyễn Công Khanh, Trường đại học sư phạm Hà Nội, cho thấy có một tỉ lệ cao sinh viên (54,5%) không hứng thú trong các bài giảng. Có lẽ đây cũng chỉ là một phát hiện mới (bằng con số) về một điều mà chúng ta đã biết rất rõ từ lâu nay rồi. Nói cách khác là chất lượng giáo dục đại học hiện nay ở nước ta đang gặp nhiều vấn đề mà đó chỉ là một biểu hiện như
Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của PGS.TS.Nguyễn Công Khanh, Trường đại học sư phạm Hà Nội, cho thấy có một tỉ lệ cao sinh viên (54,5%) không hứng thú trong các bài giảng. Có lẽ đây cũng chỉ là một phát hiện mới (bằng con số) về một điều mà chúng ta đã biết rất rõ từ lâu nay rồi. Nói cách khác là chất lượng giáo dục đại học hiện nay ở nước ta đang gặp nhiều vấn đề mà đó chỉ là một biểu hiện như phần nổi của cả tảng băng chìm.
Vấn đề đặt ra là vậy thì đâu là nguyên nhân chán học của sinh viên. Trong số các nguyên nhân khác nhau chắc chắn có việc sinh viên chưa xác định được đúng đắn các mục tiêu làm động cơ tự thân cho việc học của mình. Mặt khác, nội dung và phương pháp đào tạo đại học của chúng ta cũng chưa phù hợp. Hơn nữa, mỗi giáo viên cũng chưa thực sự trang bị được cho mình những kỹ năng cần thiết để lôi cuốn sinh viên học tập. Chính vì thế mà chúng ta vẫn chưa thu hút được sinh viên nhiệt tình học tập nhằm tạo ra hiệu qu ả tốt hơn cho quá trình đào tạo. Do vậy, trong những việc phải làm để thu hút sinh viên tích cực thì trước hết phải giúp họ xác định được học tập là mục tiêu tự thân, đồng thời giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và trau dồi những kỹ năng sư phạm cần thiết.
Xác định học tập là mục tiêu tự thân
Các nhà giáo, trước khi dạy tri thức, rèn luyện kỹ năng, phải dạy cho người học biết rằng: Học tập là mục tiêu tự thân (Đỗ Quốc Bảo, 2008). Chỉ khi nào sinh viên tự xác định được và/hay nhà trường giúp sinh viên xác định được những mục tiêu học tập đúng đắn cho chính họ làm động cơ tự thân thì họ mới tích cực nổ lực học tập. Vậy thì mục tiêu học tập mà chúng ta cần hướng cho sinh viên là gì để thu hut được họ nhiệt tình học tập? Theo UNESCO (1996) các mục tiêu trụ cột của việc học trong thời đại ngày nay là "học để biết,học để làm, học để chung sống với nhau và học để tồn tại". Có sự liên quan gì giữa những mục tiêu học tập này với sự nhiệt tình học tập của người học?
1. Học để biết (learning to know)
Học trước tiên để hiểu biết (learn to know) và là mục tiêu truyền thống của việc học. Khi người học khao khát muốn biết thì sẽ say sưa học tập để tìm kiếm kiến thức. Chính vì thế mà các nền giáo dục tiên tiến như giáo dục Mỹ đang dày công giúp cho học sinh, sinh viên có "khuynh hướng muốn biết". Giáo dục Thái Lan đặt cũng ra mục tiêu “giúp cho họcsinh khao khát tìm kiếm tri thức mới, khám phá b ản thân và cu ộc sống”. Tuy nhiên, kiến thức nhân loại, dù trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp, không ngừng được cập nhật và trong xã hội đầy biến động làm sao một con người có thể hiểu biết hết tất cả những gì xung quanh và sử dụng lượng kiến thức học được ở trường đại học trong một số năm để tác động vào thực tiễn? Cách duy nhất là học để không ngừng cập nhật kiến thức trong suốt cuộc đời (life-long learning) (Trần Lê Hữu Nghĩa, 2008). Do vậy, cái biết quan trọng nhất của người học là để biết cách học (knowing how to learn), đặc biệt là cách tự học. Nói cách khác, dạy học không chỉ lấy việc thuyết giảng nhằm trang bị kiến thức cho học viên làm nhiệm vụ cơ bản mà phải tạo cơ hội cho người học chủ động tích cực trong việc tìm kiếm kiến thức theo những cách thức nhất định (phương pháp học) và vận dụng những kiến thức đã học được để tiếp tục học. Rõ ràng sinh viên làm các bài tập toán với mục đích cụ thể là tìm ra đáp số cho bài toán, nhưng có lẽ không ai nhớ được và cũng không cần nhớ để làm gì những đáp số đó. Mục tiêu của việc làm bài tập đó là để biết được cách giải toán, để hiểu và vận dụng những nguyên lý toán học cho việc tiếp tục học được các môn học sau. Học để biết quan trọng nữa là biết sử dụng các phương tiện để giúp học tập có hiệu quả cao. Trong số các phương tiện cần học nhất trong thời đại toàn cầu hoá và bùng nổ thông tin hiện này thì phải là ngoại ngữ (mà quang trọng nhất là tiếng Anh) và tin học. Khi sinh viên chủ động sử dụng được ngoại ngữ và tin học thì chắc chắn họ úngay mê học tập hơn vì họ tiếp cận được thông tin không hạn chế của nhân loại một cách có hiệu quả hơn.
2. Học để làm (learning to do)
Khi người học xác định được việc học là để trang bị cho mình năng lực làm việc với một nghề nghiệp đã được định hướng (theo chương trình đào tạo) thì người học sẽ học nhằm có được những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Khi xác định được mục tiêu này thì người học sẽ say sưa học tập, học không vì mục đich đối phó thi cử hay bằng cấp mà học vì mục đích làm việc trong cả cuôc đời. Về khía cạch này thì học đại học cũng giống như học lái xe, mục đích của việc học lái xe không phải là để lấy bằng lái (mặc dù đó là yêu cầu bắt buộc phải có) mà cơ bản là để sau này biết lái xe mà không nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi học lái xe không ai lại không tích cực học cả vì người học đều nhận thức rõ đó là học cho chính mình và học để làm (lái xe) thực sự. Tuy nhiên, học ở đại học còn phải nhằm mục tiêu xa hơn nữa là học để biết sáng tạo (learning to be creative). Học tập đối với sinh viên đôi khi chỉ vì sự thúc ép của gia đình, hoặc chỉ đơn thuần là để lấy tấm bằng vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm mà thiếu hẳn sự say mê vươn tới đỉnh cao tri thức và sáng tạo và vì thế mà thiếu đi sự đam mê. Khi có mục tiêu vươn tới đỉnh cao tri thức và sáng tạo thì sinh viên mới say mê trong học tập. Chính vì thế giáo dục Nhật Bản đặt ra mục tiêu "Đào tạo một lớp người mới đầy năng lực sáng tạo có khả năng khám phá và thích ứng nhanh chóng v ới xã hội thông tin". Một khi người học không khát khao sáng tạo thì sẽ không tự giác, nỗ lực và say sưa trong học tập. Một sinh viên ngành giống cây trồng chẳng hạn chắc chắn sẽ say mê học tập nếu có khát khao và tin rằng rằng sau này mình sẽ tạo ra được những giống cây trồng mới có giá trị cao cho thực tiễn sản xuất.
3. Học để chung sống (learning to live together)
Vì thế giới ngày càng xích lại gần nhau, mỗi cá nhân là một mắt xích trong xã hội và phụ thuộc lẫn nhau cho nên bản thân mỗi cá nhân không chỉ học cho riêng mình mà còn học cho cả cộng đồng, học lẫn nhau, để làm việc với nhau và để chung sống với nhau. Khía niệm học để chung sống nhấn mạnh vào việc phát triển sự hiểu biết, quan tâm và tôn trọng người khác, kể cả niềm tin, giá trị và văn hoá riêng của họ. Điều này được coi là sẽ tạo cơ sở cho việc tránh được xung đột, giải quyết mọ vấn đề không bằng bạo lực và chung sống hoà bình với nhau. Hơn thế nữa, điều này cũng có nghĩa là thừa nhận sự khác biệt của nhau và sự đa dạng như là cơ hội, là nguồn lực có giá trị để khai thác vì mục tiêu chung, chứ không phải là mối đe do ạ. Chính vì vậy nhiều nước đang tìm những cách khác nhau nhằm khuyến khích việc học để chung sống. Khi người học xác định được mục tiêu này thì ngoài việc học để lấy kiến thức và kỹ năng để làm việc thì họ sẽ thấy cần phải và hứng thú học với nhau, học cách học cùng nhau để phát triển khả năng chung sống và làm việc cùng nhau sau này. Đó là một động cơ để sinh viên nhiết tình học tập.
4. Học để tồn tại (learning to be)
Xã hội luôn luôn biến đổi, kiến thức nhân loại luôn luôn bùng nổ, trong xã hội hiện đại ai muốn tự khảng định mình, muốn tồn tại được bình đẳng với mọi người thì không thể không học tập. Học tập không ngừng trong suốt cuộc đời là con đường mà mỗi người phải xây cho mình tồn tại được trong xã hội học tập nagỳ nay mà đất nước nào cũng đang xây dựng. Đây cũng chính là điều mà mỗi sinh viên phải ý thức được để lấy việc học làm động cơ tự thân cho chính mình, từ đó mới say mê học, học cho chính sự tồn tại của bản thân mình.
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Trong một thời gian dài trước đây, phương pháp dạy học lấy việc trang bị kiến thức làm nhiệm vụ cơ bản. Do vậy, dung lượng và mức độ đồng hóa kiến thức là mục tiêu của việc dạy học. Cách tiếp cận mục tiêu giáo dục phổ biến ở các nước trên thế giới khoảng 2-3 thập kỷ trước là trang bị cho người học một hệ thống tri thức, kỹ năng và thái độ được xác định theo một chuẩn mực có thể đo lường, đánh giá được. Yêu cầu cơ bản của cách tiếp cận này là làm cho người học đạt được các mục tiêu giáo dục được xác định dựa trên 3 nguồn thông tin chủ yếu: người học, thực tiễn cuộc sống và ý kiến các chuyên gia. Căn cứ người học ở đây được xác định dựa trên trình độ chung của người học trong một hệ thống giáo dục chứ không phải nhu cầu, sở thích cá nhân. Phương pháp giảng giải thịnh hành như một phương pháp chủ yếu để phổ biến kiến thức cho học sinh, sinh viên theo cách tiếp cận này. Ưu điểm của nó là có thể truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả, đặc biệt với một lượng học viên lớn trong lớp. Cũng có nhiều người học được rất tốt từ phương pháp này đặc biệt là khi có giảng viên giỏi. Nhưng phương pháp này có nhược điểm lớn là người học chỉ nghe một cách thụ động nên không không hứng thú khi học, tiếp thu không được tốt bài giảng. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp được đang được áp dụng phổ biến trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay và hậu quả là phần đông sinh viên không có hứng thú trong giờ học như thấy được qua kết quả điều tra nói trên của PGS.TS. Nguyễn Công Khanh. Chưa nói là theo nhận xét của nhiều chuyên gia giáo dục thì tiếp cận theo hướng này đã bị lỗi thời, lạc hậu, làm thui chột tiềm năng phong phú của người học.
Đối lập với cách tiếp cận giảng dạy truyền thống nói trên cũng đã từng có cách tiếp cận ngược lại mà người ta vẫn gọi là cách tiếp cận nhân văn. Đây cách tiếp cận quan tâm đến từng cá nhân ng ười học. Kiểu tiếp cận mục tiêu loại này khá phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây trong thập niên 1970-1980. Cách tiếp cận này thường làm cho người học “thích” hơn những dễ dàng để cho người học trở nên quá tự do và "buông thả" mà không đạt được mục tiêu giáo d ục như là một hệ thống các chuẩn mực xã hội được xác định đối với nhân cách một loại đối tượng giáo dục. Điều này cũng giống như cho thực khách, nhất là người Việt Nam ta, vào một nhà hàng ăn tự chọn: chúng ta có thể rất thích ăn và ăn tuỳ thích, nhưng rất có thể ta không biết nên chọn những món nào để ăn, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào để đáp ứng vừa đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể và phù hợp với văn hoá ẩm thực nếu không được hướng dẫn và không có quá trình làm quen. Chính vì thế, để khắc phục những nhược điểm của cả hai cách tiếp cận giáo dục nói trên, hiện nay các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hướng tới một cách tiếp cận hiện đại kết hợp giữa truyền thống và nhân văn. Quan niệm về việc học hiện đại bên cạnh việc nhấn mạnh việc học có hướng dẫn cũng đề cao việc tự học, tự định hướng và sự tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình (Obanya và CS, 2003).
Trong bối cảnh của thời kỳ mới và trong giai đoạn mới của sự phát triển giáo dục đại học, người ta nêu ra 3 tiêu chí quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học như sau:
- Tiêu chí bao quát hàng đầu của việc dạy và học là dạy cách học;
- Phẩm chất cần phát huy mạnh mẽ là tính chủ động của người học;
- Công cụ cần khai thác triệt để là công nghệ thông tin.
Bài viết này không đề cập sâu đến toàn bộ các tiêu chí này mà chỉ thảo luận giải pháp để thúc đẩy và thu hút sinh viên học tập tích cực (active learning). Về mặt này, người phương Tây đã tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Chính họ đã vận dụng thành công trên thực tế một nguyên lý giáo dục của người phương Đông cổ (Khổng Tử, 451 BC) là “Những gì tôi nghe, tôi s ẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Để học tốt một điều gì đó người học không chỉ cần nghe thấy, mà phải được nhìn thấy và tốt hơn nữa là trực tiếp làm điều đó trong một quá trình. Phương pháp giảng dạy phải làm sao sử dụng được càng nhiều giác quan của người học tham gia vào quá trình học thì càng tốt. Việc học không phải là một môn thể thao nghe nhìn. Sinh viên không thể học được nhiều nếu chỉ ngồi trong lớp nghe giảng, làm bài tập cho và trả lời câu hỏi. Phải để cho người học được nói về những gì đang học, viết về nó, liên hệ với kinh nghiệm thực tiễn và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều kỹ thuật rất đơn giản nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong quá trình học tập của học viên. Để tập trung chú ý của học viên vào nội dung bài giảng, người dạy không cần phải nói liên tục mà phải biết cách làm cho người học tham gia tích cực vào quá trình học tập của bản thân. Đối với giáo dục chuyên nghiệp thì việc thực tập, thực hành, rèn nghề và thực tập sản xuất (thực địa) cho sinh viên là hết sức cần thiết, tăng cường cơ hội cho họ “làm” để hiểu được vấn đề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Người học phải biến những gì học được thành một phần của chính bản thân mình.
Để tạo hứng thú và phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở nước ta hiện nay cần đi vào các hướng sau đây:
- Tổ chức tốt bài giảng và cách giảng bài
Thực ra thì cho đến nay giảng bài vẫn thịnh hành như một phương pháp để phổ biến kiến thức cho học sinh, sinh viên. Nó đã tỏ ra là một công cụ không dễ bỏ qua. Giảng giải là phương pháp tốt nhất để truyền đạt các kiến thức chung và thông tin, nhất là trong điều kiện lớp đông như ở nước ta hiện nay. Vấn đề là phải cải tiến phương pháp này để lôi cuốn được sự chú ý hơn của người học. Dù nội dung có như thế nào thì một bài giảng tốt đều phải được bố cục tốt và giảng giải một cách rõ ràng. Để các học viên dễ tiếp thu thì giảng viên phải phác thảo, định rõ, nhắc lại những khái niệm quan trọng nhất, có minh hoạ phù hợp và tóm t ắt ngắn gọn. Kỹ năng trình bày là rất quan trọng và giảng viên phải luôn nhớ hướng sự chú ý của học viên vào nội dung bài chứ không phải vào người giảng. Chẳng hạn, giảng viên nên đưa ra một vấn đề trước khi giảng để định hướng học viên vào những thông tin nhất định. Khi bài giảng được kết cấu tương ứng với vấn đề đặt ra, học viên nghe có định hướng sẽ tiếp thu thông tin được chủ động hơn. Khi giảng viên tập trung chú ý đến học viên và làm sáng tỏ nội dung bài cho họ, làm cho các ý liên quan đến các tình huống cụ thể, giúp họ ghi nhớ thì học viên sẽ hứng thú hơn và học được nhiều hơn. Muốn vậy, giảng viên phải có kiến thức sâu rộng và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đó là cơ sở của thành ngữ “giáo già con hát trẻ”.
- Tăng cường đặt câu hỏi và khuyến khích người học đưa ra câu hỏi Giảng viên có thể tạo sự tham gia tích cực của học viên bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi và khuyến khích họ đặt câu hỏi. Câu hỏi là phần cốt lõi của một quá trình học. Giáo viên yêu cầu các học viên đặt câu hỏi, chú ý lắng nghe và đưa chúng vào những lần dạy sau để khuyến khích các học viên đặt câu hỏi. Đồng thời, giáo viên cũng phải thường xuyên đặt câu hỏi để buộc mỗi học viên phải tích cực suy nghĩ tìm ý trả lời. Nếu giáo viên biết lắng nghe các ý kiến trả lời của học viên, có đánh giá kết quả học tập thông qua hỏi và trả lời câu hỏi trên lớp thì người học sẽ có thêm “động cơ” để học tập tích cực hơn trong quá trình học trên lớp.
Trong khi giảng bài giảng viên nên áp dụng phương pháp “động não” để kích thích học viên suy nghĩ bằng cách đưa ra một chủ đề hoặc một vấn đề để các học viên đưa ra đề nghị hoặc gợi ý. Người học được ghi nhận nhưng không đánh giá. Bằng cách đó giảng viên có thể làm cho học viên cảm thấy mình có liên quan đến bài giảng và thông qua đo có thể biết được năng lực của mỗi người học.
Học viên có thể hỏi giáo viên hoặc ngược lại để tóm tắt kiến thức, làm rõ vấn đề hoặc minh hoạ việc áp dụng kiến thức. Việc hỏi này có thể diễn ra trước, trong hoặc sau bài giảng tùy thuộc vào việc học viên có quen thuộc chủ đề hay không. Việc hỏi cũng có thể được tiến hành riêng rẽ và coi như là cơ hội để thầy trò chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và để đề ra những kế hoạch áp dụng kiến thức vào thực tế.
- Dùng những phương tiện để hỗ trợ trực quan
Dùng những hình minh hoạ trực quan để làm cho bài giảng bớt trừu tượng và sau thời gian nói liên tục phải có giờ giải lao. Để học được một vấn đề, nhiều người đòi hỏi phải được nhìn tận mắt ngay cả khi vừa được nghe về nó. Do vậy, giáo viên nên sử dụng các phương tiện như: biểu đồ, đồ thị, bảng, máy chiếu, băng video để hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, nếu dùng các phương tiện nghe nhìn chỉ để thay phấn viết bảng thôi thì hậu quả sẽ tiêu cực bởi vì thực chất đó vẫn là phương pháp thuyết trình một chiều. Mục đích việc dùng các phương tiện nghe nhìn là làm cho bài giảng sinh động hơn, tiết kiệm thời gian viết bảng để giành thời gian cho giảng viên giải thích, cho sinh viên đặt câu hỏi và thảo luận.
- Chuẩn bị các tài liệu bổ sung
Trước khi giảng bài, nhất là khi giảng viên sử dụng bài giảng PowerPoint, nên phân phát đề cương bài giảng/handout cho sinh viên. Các tài liệu này giúp người học dễ theo dõi những ý chính, tóm tắt nội dung, phát triển các ý và áp dụng chúng. Ngoài ra giảng viên có thể phát hay giới thiệu nguồn tài liêu đọc thêm liên quan để sinh viên có thể nghiên cứu sâu hơn về vấn đề đã được giảng trên lớp.
- Khuyến khích học tập theo nhóm và t ăng cường thảo luận
Khi cho sinh viên học tập theo nhóm kết quả thường tốt hơn là học một mình. Học tập, cũng như làm việc, nếu có tính tương hỗ và xã hội sẽ tốt hơn là cạnh tranh và biệt lập. Làm việc cùng với những người khác sẽ hứng thú hơn và tăng thêm cơ hội học tập được lẫn nhau. Chia sẽ ý tưởng của nhau và phản ứng trước hành động của người khác sẽ làm cho suy nghĩ sắc bén hơn và hiểu biết được sâu sắc hơn.
Thảo luận là trao đổi trực tiếp giữa các học viên để đạt được một mục đích học tập cụ thể. Nó có thể là trao đổi thân mật, không hình thức hoặc được tổ chức với mục tiêu và nhiệm vụ nhất định, thời gian được giới hạn, lịch trình chuẩn bị trước và có thể có hoặc không có người chủ trì.
Giáo viên có thể bắt đầu bài học bằng một cuộc thảo luận để lấy ý kiến và quan điểm của học viên, cũng có thể xen giữa bằng một cuộc thảo luận để làm sáng tỏ một vấn đề hoặc để tóm tắt củng cố nội dung, cũng có thể tổ chức buổi thảo luận vào cuối buổi học vì tất cả những mục đích kể trên.
Giáo viên có thể bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách đa ra một lời phát biểu, một câu hỏi hoặc một vấn đề, cũng có thể dùng các đoạn phim minh hoạ hoặc bài tập. Các phương pháp khác có thể tạo ra cấu trúc của một cuộc thảo luận hữu ích. Các buổi thảo luận có thể là một nhóm nhỏ từ 4-6 người hoặc nhóm những tổ thảo luận với nhau hoặc một nhóm từ 6-10 người thảo luận về một vấn đề trong khi những người còn lại ngồi nghe.
Nếu như lớp học có kế hoạch đi thực địa/thực tập giáo trình thì để cho sinh viên tự thảo luận lập kế hoạch và đảm nhiệm một phần hay toàn bộ mọi sự sắp xếp cho chuyến đi.Tạo cơ hội cho những sinh viên làm cán bộ hòa nhập trong lớp. Dùng các kỹ năng lãnh đạo của những sinh viên đó để cải thiện hoạt động của các sinh viên khác.
- Minh hoạ bài giảng bằng các ví dụ, tình huống hoặc sự việc cụ thể
Thay vì tập trung cung cấp khái niệm, kiến thức (yêu cầu học thuộc), giảng viên cần lấy ví dụ giải thích/minh hoạ khái niệm. Sử dụng các ví dụ quen thuộc để minh hoạ về các quy tắc, nguyên lý, định nghĩa, học thuyết để sinh viên có thể hiểu được. Giáo viên cần đặt ra cho người học những tình huống cần phải giải quyết nhằm giúp học viên áp dụng lý thuyết và kiến thức học được để ra quyết định. Giáo viên phân tích tình huống đặt ra để học viên biết cách áp dụng những gì đã học vào cuộc sống của người học sau này.
Phương pháp dạy và học tích cực hiện nay thường được áp dụng có việc dạy học qua dự án, dạy học nêu vấn đề, học thông qua hành động, học qua trải nghiệm (nêu ý tưởng, nhiệm vụ, hướng dẫn chọn lựa các khái niệm, các phương pháp, công cụ đánh giá... tìm cách đặt ra cho SV các nhiệm vụ phải giải quyết để chúng suy nghĩ, tìm lý thuyết, phương pháp phù hợp... học sinh tích cực tìm kiếm thông tin, tự trải nghiệm... và học các kỹ năng đánh giá cách suy nghĩ của bản thân).
- Phản hồi nhanh chóng v ới sinh viên
Sinh viên cần biết về những gì có thể thu được từ khoá học. Lúc bắt đầu học sinh viên cần được giúp đỡ trong việc đánh giá kiến thức và năng lực hiện có. Trong lớp sinh viên cần có cơ hội thường xuyên để thể hiện và nhận được những gợi ý bổ ích cho việc học được tốt hơn. Trong quá trình học và cuối khoá sinh viên cần có cơ hội để bộc lộ những gì họ đã học được, biết những gì họ cần phải làm để tiếp tục học tốt hơn. Do vậy sự đánh giá và phản hồi kịp thời của giáo viên đối với người học có tác dụng rất lớn đối với việc chủ động học tập của sinh viên.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng thời gian học tập
Học tập là bằng thời gian cộng với công sức. Không gì thay thế được thời gian trong học tập. Học cách sử dụng tốt thời gian có ý nghĩa quyết định đối với sinh viên cũng như các nhà chuyên môn. Sinh viên cần được giúp đỡ để biết quý thời gian và biết cách sử dụng thời gian học tập một cách có hiệu quả nhất. Phân bổ thời gian tốt có nghĩa là học có hiệu quả đối với sinh viên và dạy có hiệu quả đối với giáo viên.
- Đặt kỳ vọng cao cho sinh viên
Có kỳ vọng cao trong cuộc sống và học tập là hết sức cần thiết cho mọi người. Thường thì khi giáo viên đặt kỳ vọng cao cho sinh viên thì họ sẽ phải tích cực phấn đấu học tập hơn. Nếu giáo viên quá dễ dãi, học ít thi vẫn đỗ, thậm chí đạt được điểm cao, thì sinh viên sẽ không “chịu” học. Do vậy, kỳ vọng sinh viên phải nổ lực học tập là một giải pháp mang tính cưỡng bức cần thiết để thúc đẩy sinh viên chủ động học tập nhằm đạt được kết quả cao.
- Tôn trọng tài năng và phương pháp h ọc đa dạng của sinh viên
Có nhiều cách thức học tập khác nhau. Sinh viên mang đến trường với những năng lực và kiểu học tập rất khác nhau. Nhưng sinh viên xuất sắc trong phòng seminar có thể lại rất vụng về trong phòng thí nghiệm hay trong một studio nghệ thuật. Nhưng sinh viên thực hành tốt chưa chắc đã học tốt về lý thuyết. Do vậy mỗi sinh viên cần có cơ hội để thể hiện tài năng riêng của họ và được học theo cách hữu hiệu nhất với mỗi người. Sau đó họ có thể buộc phải học theo cách mới mà họ chưa quen. Chẳng hạn, mỗi học viên đều có phương pháp ghi chép riêng riêng nhưng dù sao giáo viên cũng nên hướng dẫn về các vấn đề như:
thông tin có trong sách hay trong tài liệu có được phát không? Có cần thiết phải ghi quá chi tiết không? Các con số và sự kiện cụ thể có quan trọng không? Liệu trong bài kiểm tra có hỏi về chúng không?
- Ra nhiều bài tập và tiểu luận
Trước, trong và sau bài giảng, giáo viên phải yêu cầu học viên viết để trình bày các câu hỏi, ý kiến, quan điểm hoặc làm các bài tập vận dụng. Các bài tập này sẽ giúp người học phải tự đào sâu tìm hiểu rõ kiến thức lý thuyết, nhận biết được các tiêu chuẩn, niềm tin, quan điểm thái độ, xem xét mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành, sau đó chia sẻ các tiêu chuẩn đó với người khác. Phần lớn các hoạt động này cần sự tin tưởng thực sự, sự thường xuyên trao đổi giữa các thành viên trong nhóm. Các bài viết có thể được giữ kín, được dùng trong nhóm hoặc đưa cho người dạy. Mục đích của việc này là làm cho học viên sáng tỏ thêm nội dung và chương trình của mình. Việc giao cho sinh viên viết các bài tiểu luận theo chủ đề có tác dụng rất tốt không chỉ để họ nắm được các thông tin liên quan đến chủ đề đó mà rèn luyện họ rất tốt về cách khai thác tài liệu và cách viết tài liệu khoa học. Việc này đòi hỏi hệ thống thư viện của nhà trường cần phải được nâng cấp để có đủ nguồn tài liệu và tiện lợi cho sinh viên tra cứu. Hiện nay nhìn chung kỹ năng viết của sinh viên đại học và thậm chí cả cao học và nghiên cứu sinh của chúng ta rất yếu. Nguyên nhân chính có lẽ là do không được chú trọng luyện về vấn đề này và không được thực hành thường xuyên thông qua việc viết các tiểu luận chuyên đề.
- Tăng cường các bài kiểm tra
Các câu hỏi ngắn trên lớp giúp học viên đánh giá được sự tiếp thu và ghi nhớ của họ hoặc để ôn lại kiến thức trước khi sang một bài mới. Các bài kiểm tra giữa kỳ giúp đánh giá tiến độ học tập của sinh viên và cho sinh biết phải làm gì để có kết quả học tập tốt hơn. Các bài kiểm tra này nên được tính vào điểm xếp loại cuối kỳ và có thể báo trước hoặc không báo trước. Nếu có các bài kiểm tra “tiến độ” thì sinh viên sẽ phải tích cực học tập hơn, đặc biết là tự học “ở nhà” để đối phó với việc kiểm tra đó. Dù là học đối phó và có thể sinh viên không được “hứng thú” thì kết quả cuối cùng vẫn là tích cực hơn.
- Phối hợp giảng dạy
Một môn học được nhiều người cùng tham gia giảng dạy sẽ làm cho việc giảng dạy đỡ đơn điệu hơn. Hơn nữa, khi mỗi giáo viên được phân công chịu trách nhiệm một vài chương hay chuyên đề của môn học thì sẽ có điều kiện đầu tư chuẩn bị cho bài giảng được tốt hơn, chất lượng giảng dạy sẽ cao hơn, học sinh sẽ thu được nhiều kiến thức cập nhật hơn và do vậy sẽ thích học hơn.
Một số giải pháp khác để thu hút người học
Sau đây là một số giải pháp bổ sung được các nhà giáo dục thừa nhận nhằm thu hút sinh viên nhiệt tình tham gia học tập.
Tăng cường tiếp xúc giữa giáo viên với sinh viên
Việc tiếp xúc thường xuyên giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học là yếu tố quan trọng nhất để tạo động lực và lôi cuốn sinh viên tham gia học tập. Có một số kỹ năng tiếp xúc với sinh viên mà mỗi giảng viên cần luyện tập để có được nhằm thu hút sinh viên chú ý đến bài giảng và tích cực học tập hơn. Đó là:
· Giới thiệu tên với sinh viên, cho họ số điện thoại, địa chỉ liên hệ và email (nếu có) ngay từ buổi lên lớp đầu tiên.
· Nắm tên của sinh viên càng nhanh càng tốt để gọi tên họ trong lớp học nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện.
· Cuối mỗi tiết học gọi một vài sinh viên ở lại nói chuyện trong ít phút về một điều gì đó.
· Thay vì trả bài kiểm tra trên lớp, có thể bảo sinh viên đến phòng làm việc hay bộ môn gặp thầy để nhận bài. Làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho giảng viên tiếp chuyện thoải mái với sinh viên.
· Gọi điện cho sinh viên nếu họ vắng học để hỏi thăm lý do và thảo luận cách khắc phục.
· Lấy thông tin phản hồi đều đặn từ sinh viên để biết họ đánh giá mình như thế nào để điều chỉnh được kịp thời.
· Tham gia các sinh hoạt mang tính xã hội với sinh viên để gần gũi và hiểu được họ hơn.
· Hỏi han mang tính cá nhân với sinh viên vào thời gian thích hợp.
· Trả lời cẩn trọng tất cả mọi câu hỏi của sinh viên.
· Chú ý lắng nghe những nhận xét và quan điểm của sinh viên, làm cho sinh viên cảm thấy rằng các ý kiến, nhận xét và quan điểm của họ là có giá trị và được tôn trọng.
· Sẵn sàng thừa nhận với sinh viên rằng một số câu hỏi mình không trả lời được.
· Nếu một sinh viên nào đó thổ lộ riêng với mình một điều bí mật riêng tư thì phải biết tôn trọng điều đó của sinh viên, tránh đánh giá những điều bí mật riêng tư đó.
· Thường xuyên trao đổi sách vở, tài liệu với sinh viên.
Coi trọng hoạt động trên lớp của giảng viên
· Nên đi lại quanh lớp học khi nói hay đặt câu hỏi cho sinh viên. Việc này tạo ra sự gần gũi về không gian đối với người học. Tránh đứng sau bục giảng hay ngồi sau bàn suốt cả tiết dạy.
· Dành toàn bộ tiết dạy đầu tiên để hướng dẫn lớp nhằm tạo ra một không khí học tập tốt và có những trao đổi qua lại với sinh viên như đã nói ở trên. Giúp sinh viên làm quen với nhau trong buổi học đầu tiên (theo hệ thống đào tạo tín chỉ thì nhiều nhiều sinh viên không biết nhau trong buổi đầu của một học phần mới).
· Trong buổi học đầu tiên phải đưa ra và thảo luận với sinh viên về mục tiêu cần đạt được của học phần. Làm cho sinh viên thấy được học phần đó phù hợp như thế nào với mục tiêu nghề nghiệp/cá nhân của họ. Hỏi sinh viên xem họ kỳ vọng gì ở giáo viên và bằng cách nào giáo viên có thể đóng góp tốt cho quá trình học tập của họ.
· Cho sinh viên biết cách tính điểm chuyên cần để cho họ thấy có sự quan tâm của giáo viên đến việc sinh viên có mặt ở trên lớp và thường xuyên nhắc lại điều này.
· Trả bài kiểm tra, tiểu luận v.v. cho sinh viên càng sớm càng tốt, trong đó có ghi nhận xét vào những chỗ phù hợp.
· Thường xuyên thay đổi các kỹ thuật dùng trong giảng dạy (giảng giải, thảo luận nhóm, chiếu phim, v.v.). Dùng nhiều kỹ năng giảng dạy khác nhau, trong đó sử dụng càng nhiều phương tiện nghe nhìn càng tốt.
· Khi trả lời câu hỏi của sinh viên phải đảm bảo rằng sinh viên hiểu được. Yêu cầu sinh viên tự nhắc lại câu trả lời.
· Nếu phải bỏ giờ lên lớp thì cần giải thích rõ lý do và sẽ làm gì để bù vào đó.
· Nói rõ và yêu cầu sinh viên thực hiện đúng những hành vi nào có thể chấp nhận được và những hành vi nào không thể chấp nhận được trong lớp học.
· Tăng cường giao tiếp bằng mắt với sinh viên ở trong và ngoài lớp học.
· Dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để liên hệ những phần bài giảng của mình với kiến thức của các môn học khác trong khi giảng bài.
· Trong quá trình dạy, đặc biệt là những buổi học đầu tiên:
o nhấn mạnh rằng mình sẵn sàng giúp đỡ cho từng cá nhân sinh viên khi họ cần
o chỉ rõ sự phù hợp của học phần mình dạy với mục tiêu học tập của sinh viên.
o tranh thủ tìm cách khen ngợi động viên những sinh viên học không được tốt hay những sinh viên có hiện tượng bỏ học nhiều .
o Tránh đặt sinh viên vào những tình huống khó xử hay xấu hổ, đặc biệt là trên lớp.
Kết luận
Để có động cơ tích cực học tập, người học phải tự ý thức được hoặc cần được giúp đỡ để nhận thức được rằng học trước hết là cho bản thân mình và chính mình là người phải biết cách biến kiến thức chưa khai phá thành tài sản riêng. Ngược lại, việc dạy cần hướng vào phát triển cá nhân sao cho cá nhân đó thấy hứng thú học tập vì biết rằng mình có thể áp dụng những kiến thức thu được ở trường học vào công việc ngoài đời và trong suốt cả cuộc đời của họ. Đồng thời, quá trình đào tạo đại học phải giúp sinh viên biết rèn luyện việc tự học và duy trì việc học suốt đời, chứ không chỉ dừng lại sau khi tốt nghiệp đại học hoặc chỉ học khi đến trường học. Muốn vậy, phương pháp giảng dạy phải hướng tới trang bị cho người học cách học để họ có thể cập nhật kiến thức thường xuyên và liên tục. Đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm phát huy mạnh mẽ là tính chủ động của người học. Hơn nữa, để dạy và học có hiệu quả cao thì việc khai thác triệt để công nghệ thông tin truyền thông trong quá trình dạy và học là hết sức cần thiết trong thời đại ngày nay. Đó là những vấn đề mang tính phổ quát cho giáo dục đại học nói chung. Riêng đối với các ngành trong khối nông-lâm-ngư nghiệp, vấn đề sinh viên xuất thân từ nông thôn và kiến thức bản địa trong chuyên môn cần phải được coi là những nét đặc thù trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay.
Để đáp ứng được những đòi hỏi như đã nếu trên, người giáo viên cần phải có tâm huyết, giành rất nhiều thời gian và công sức để nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy. Đối với các nước phát triển, nơi có điều kiện vật chất tốt cho giáo viên làm việc, có cơ chế để thu hút giáo viên đại học yên tâm tận tuỵ với công việc chuyên môn thì việc thực hiện các giải pháp như nêu trên là hoàn toàn khả thi. Trong điều kiện nước ta, với điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, mức lương cho giáo viên còn rất thấp, nhất là tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao, nhiều thầy cô phải dạy quá nhiều lớp, nhiều tiết thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng trên không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp vĩ mô đúng đắn. Tuy nhiên, một khi người thầy thật sự tâm huyết với nghề nghiệp và nhà trường có trách nhiệm cao đối với sự tiến bộ của xã hội thì chắc chắn sẽ tìm được cách để vượt qua được các trở ngại. Bằng chứng là trong những năm tháng chiến tranh, trong hoàn cảnh nền kinh tế, xã hội của đất nước còn gặp muôn vàn gian khó nhưng chúng ta vẫn có những thế hệ người thầy rất nổi tiếng và đào tạo cho đất nước rất nhiều chuyên gia giỏi.
NGUỒN : Nguyễn Xuân Trạch và Bùi Hữu Đoàn
Tag(s):