THÔNG TIN VỀ KHOA XÂY DỰNG

 


 

I. Giới thiệu về khoa Xây dựng

          Sau gần 15 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Xây dựng được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà trường giao phụ trách, tổ chức thực hiện đào tạo kỹ sư và NCKH cho 2 ngành: "Kỹ thuật xây dựng""Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông". Trong thời gian qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Xây dựng – Trường Đại học Vinh đã cố gắng phấn đấu không ngừng nhằm xây dựng và phát triển Khoa ngày càng vững mạnh.

          Về quy mô đào tạo : Khoa Xây dựng có số lượng sinh viên đông đảo với 02 ngành đào tạo trình độ đại học, bao gồm Kỹ thuật xây dựng dân dụng và Kỹ thuật công trình giao thông với tổng số sinh viên lên đến 2000 sinh viên và quy mô đào tạo tăng lên theo từng năm.

          Về đội ngũ cán bộ : Tổng số cán bộ giảng dạy của Khoa Xây dựng là 39 cán bộ, trong đó có 01 Phó giáo sư Tiến sĩ, 03 Tiến sĩ, 09 nghiên cứu sinh và 24 thạc sỹ. Nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa sau khi được đào tạo ở các nước phát triển trở về đã có cống hiến rõ rệt cho chất lượng đào tạo và NCKH của Khoa. Khoa Xây dựng có 06 Bộ môn bao gồm : Công nghệ tổ chức xây dựng, Kiến trúc quy hoạch, Cơ kết cấu, Kết cấu công trình, Cầu hầm và Đường bộ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có khả năng đảm nhận toàn bộ chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp, các chương trình liên thông của ngành Xây dựng. Hiện nay Khoa Xây dựng đang xúc tiến mở mã ngành đào tạo sau Đại học nhằm hướng tới đào tạo chuyên sâu đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

          Về cơ sở vật chất, ngoài hệ thống giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Ký túc xá sinh viên của Nhà trường, khoa Xây dựng hiện có 5 phòng thí nghiệm như: PTN Cơ đất và nền móng, PTN Vật liệu xây dựng, PTN Thí nghiệm công trình, PTN Thực tập công nhân ... được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ trực tiếp các hoạt động giảng dạy, thực hành, thí nghiệm và NCKH cho cán bộ và sinh viên.

          Chương trình đào tạo của các ngành được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, hình thức đào tạo tiên tiến với trung tâm là người học được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, toàn diện và hiện đại về khoa học, công nghệ xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp, công trình giao thông, tin học. Trong đó phần thực hành, thí nghiệm được quan tâm đúng mực, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng nhanh chóng thích ứng với thế giới việc làm. Ngoài các kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo, các kỹ sư còn được trang bị tốt các kiến thức cơ bản về Vật lý hiện đại, Toán cao cấp và các kiến thức về khoa học và xã hội nhân văn.

 

          Học tập và rèn luyện tại Khoa Xây dựng luôn được sự quan tâm sát sao của Chi ủy, BCN khoa, LCĐ, LCHSV và các tổ chức đoàn thể khác. 

 

Thời gian đào tạo: 5 năm.

 

 

II. Vị trí công tác và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi ra trường, các Kỹ sư có thể làm việc trong các lĩnh vực sau đây:

 

2.1. Ngành Kỹ thuật xây dựng - Mã ngành: D580208

          Ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (XDDD&CN) là ngành học, nghiên cứu về các lĩnh vực thiết kế, thi công và quản lý các công trình nhà xưởng, các công trình công cộng & công nghiệp. Với kiến thức này, sinh viên ngành XDDD & CN khi ra trường sẽ có môi trường làm việc rất rộng mở tại các công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng (nhà nước cũng như tư nhân, nước ngoài), các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực xây dựng dân dụng - công nghiệp.

          - Khi tốt nghiệp người kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất các cơ quan nhà nước cũng như trong các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác phục vụ cho công việc xây dựng mạng lưới các công trình công nghiệp và dân dụng.

           - Sinh viên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp khi ra trường sẽ có môi trường làm việc rất rộng tại các công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng (nhà nước cũng như tư nhân, nước ngoài), các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực xây dựng dân dụng - công nghiệp.

 

2.2 Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - Mã ngành: D580205

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là một ngành sản xuất đặc thù, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và cả nước. Sau quá trình đào tạo, sinh viên có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và vận dụng các kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề của thực tế nghề nghiệp trong tư vấn thiết kế, thi công, khảo sát, lập dự toán công trình giao thông; Sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ thiết kế, thi công và quản lý công trình giao thông; Có khả năng thiết kế, lập biện pháp kỹ thuật thi công, tổ chức và điều hành thi công; Tư vấn giám sát, quản lý chất lượng công trình giao thông; Có khả năng độc lập nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ trong chuyên môn, nghề nghiệp; Có kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập. Các kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông có thể chọn những vị trí làm việc như:

- Kỹ sư tư vấn thiết kế: Khảo sát địa hình, địa chất, lập dự án nghiên cứu tính khả thi của công trình, tính toán, lập bản vẽ chi tiết… trước khi thi công một cây cầu hay một tuyến đường nào đó.

- Kỹ sư giám sát: Công viêc là chịu trách nhiệm là hướng dẫn, giám sát và điều chỉnh cho công nhân. Theo dõi tiến độ một công trình; Nghiệm thu xác nhận khi công trình bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn chất lượng. Yêu cầu nhà thầu đảm bảo những phần việc theo đúng hợp đồng…

- Cán bộ quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tại các ban quản lý dự án.

- Chỉ huy trưởng các công trình xây dựng công trình giao thông.

- Thiết kế công trình giao thông tại các cơ sở, viện thiết kế.

- Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, nơi đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông.

Trong những năm vừa qua, sinh viên tốt nghiệp của Khoa Xây dựng có việc làm đạt tỷ lệ cao (~100%) tại hầu hết các công ty xây dựng, ban quản lý dự án, viện thiết kế, các cơ sở đào tạo ngành Kỹ sư xây dựng công trình giao thông,… trong cả nước. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tự học và nâng cao trình độ học vấn suốt đời và có khả năng tiếp tục học ở trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.

 

 

III. Các ngành tuyển sinh năm 2015 và điềm trúng tuyển đầu vào trong 3 năm gần đây

 

3.1. Các ngành tuyển sinh năm 2015

-Ngành Kỹ thuật Xây dựng, mã ngành: D580208

-Ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông, mã ngành: D580205

 

3.2. Điểm trúng tuyển đầu vào trong ba năm gần đây

 

- Năm 2012:

          + Ngành Kỹ thuật xây dựng: Khối A: 15,0; Khối A1: 15,0.

          + Ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông: Khối A: 14,5; Khối A1: 14,5.

 

- Năm 2013:

          + Ngành Kỹ thuật xây dựng: Khối A: 16,0; Khối A1: 16,0.

          + Ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông: Khối A: 14,0; Khối A1: 14,0.

 

- Năm 2014:

             + Ngành Kỹ thuật xây dựng: Khối A: 16,5; Khối A1: 16,5.

          + Ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông: Khối A: 15,5; Khối A1: 15,5.