Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Xây dựng cầu đường) là gì?

Ngành Kỹ thuật công trình giao thông (Xây dựng cầu đường) là ngành liên quan mật thiết đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chuyên thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình: cầu, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hầm, cảng, sân bay,... cũng như các công trình trong lĩnh vực xây dựng nói chung. 

 

Bạn giỏi về các môn tự nhiên, đam mê kỹ thuật và mong muốn làm việc trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông nhưng vẫn còn băn khoăn không biết mình có phù hợp với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông hay không? Vậy, để học tốt ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cần phải có những tố chất gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để bạn xác định được những tố chất phù hợp với ngành, từ đó củng cố và phát huy chúng trong quá trình học tập.

 

Những tố chất phù hợp với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Để theo đuổi và thành công với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, bạn cần có những tố chất sau:


1/ Sống thực tế, giỏi về các môn tự nhiên: Để học tốt các ngành kỹ thuật, điều đầu tiên là bạn phải sống thực tế, yêu sự chuẩn xác, ít mơ mộng. Bên cạnh đó, việc học giỏi các môn tự nhiên là một yêu cầu quan trọng vì điều này cho phép bạn nắm bắt, xử lý thông tin một cách mạch lạc, nhờ đó dễ dàng kiểm tra, hạch toán kinh tế, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra các thiết kế để giải quyết các vấn đề về giao thông.


2/ Thích mày mò, sáng tạo: Để thực hiện được những công trình giao thông tiện lợi, hiệu quả đòi hỏi các Kỹ sư cần phải liên tục mày mò, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để bắt kịp với thế giới cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn xu hướng, đồng thời phù hợp với thói quen văn hóa lưu thông của người Việt.


3/ Có tư duy logic và đam mê kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, giao thông: Cũng như bất cứ ngành học nào, đam mê là yếu tố đầu tiên của mọi thành công. Công việc của một kỹ sư xây dựng công trình giao thông sẽ gắn liền với những công trình đầy nắng gió, dù thi công hay giám sát đều khá vất vả, vậy nên niềm đam mê, yêu thích đối với lĩnh vực xây dựng và giao thông chính là một tiền đề không thể thiếu để bạn sẵn sàng nỗ lực, đóng góp sức mình cho công trình chung. Bên cạnh đó, tư duy logic giúp bạn tiếp cận, triển khai thực hiện các công trình, dự án theo các nguyên tắc kỹ thuật, nguyên lý xây dựng dễ dàng hơn.


4/ Có tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao: Mỗi công trình giao thông là một dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người, nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, những người tham gia công trình, bên cạnh năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập thì tất yếu phải có khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm.


Nếu có những yếu tố nói trên, bạn hãy tự tin theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thôngTất nhiên, để trở thành một Kỹ sư xây dựng công trình giao thông giỏi, bạn cần có thêm một số yêu cầu khác nữa mà bạn có thể dần dần bồi đắp trong những năm học đại học. Tại những trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông uy tín như Đại học
Giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Vinh,... sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết và phát huy tối đa những tố chất, khả năng mà một người làm trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông cần phải có.